Sáng 24/3, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói đây là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự. Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ 23/9/2018 đến 23/10/2018.
Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước đã "thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công; đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình hoạt động của Ban qua các thời kỳ; chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, "không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng".
Việc đặc xá, tha tù trước thời hạn cũng được Chủ tịch nước "xem xét thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định", có tác dụng giáo dục, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
"Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng", ông nói thêm.
Do đó, đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
"Đây vấn đề có ý kiến khác nhau nhiều lắm, nhất là các cơ quan tư pháp. Ai cũng đều theo luật cả, cũng đều có quyền cả. Ý kiến khác nhau rất phức tạp", ông nói thêm.
Ngoài ra, nhiệm kỳ vừa qua, "việc thực hiện thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, xét đơn xin ân giảm án tử hình và thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật còn gặp khó khăn do số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh".
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng như Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia..., nhằm bảo đảm giữ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Hiện nay chúng tôi cũng đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược cực kỳ quan trọng, không để bất ngờ, bị động về quốc phòng an ninh, ở tất cả các hướng, cả phía Đông, phía Tây Nam, phía Bắc, với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh trong mọi thời điểm, "Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm, "trong thời gian sức khỏe không được tốt" cũng có phương cách làm sao hoạt động không bị gián đoạn, như phân quyền cho Phó chủ tịch nước; ủy quyền cho các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp cơ quan liên quan để không bị ngừng trệ công việc.
"Kể cả lúc công việc dồn dập, khó khăn như Covid hay lũ lụt miền Trung, nhiều vấn đề mới đặt ra. Đặc biệt thời kỳ chuẩn bị Đại hội XIII, không biết bao nhiêu công việc, từ văn kiện, nhân sự, cách tổ chức thế nào. Rất may mọi việc trôi chảy", ông nói.
Cũng theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, có những thời điểm, những sự việc liên quan đến Biển Đông hay quan hệ với các nước, "hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chính trị làm rất tốt".
Cũng trong sáng nay, trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong 5 năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Trong đó, nhiều luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn như các luật Quy hoạch; Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; An ninh mạng; Phòng, chống tác hại của rượu bia...
Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội hoặc giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Đó là các nghị quyết liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng; thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất Quốc phòng An ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế...
"Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc giải quyết điểm nghẽn về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng", bà Ngân nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc...
Bà Ngân nói, từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV rút ra sáu bài học kinh nghiệm, trong đó, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu.
Trong 12 ngày làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (từ 24/3 đến 8/4), các đại biểu sẽ đánh giá công tác nhiệm kỳ của Quốc hội; Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước "để ổn định về mặt tổ chức và cán bộ".
Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội, gồm 319 từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc, trong đó một trường hợp truy thăng; 71 từ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc lên Trung tướng, Phó Đô đốc; 9 từ Trung tướng, Phó Đô đốc lên Thượng tướng, Đô đốc; một từ Thượng tướng lên Đại tướng
Chủ tịch nước cũng thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sĩ quan Công an, gồm 147 từ Đại tá lên Thiếu tướng; 26 từ Thiếu tướng lên Trung tướng; một từ Thượng tướng lên Đại tướng.
Ngoài ra, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm 2 sĩ quan cấp tướng.