Thông tin được Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông Vận tải) kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km, tổng vốn gần 13.000 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu ở phía nam hầm Cổ Mã, thuộc xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), điểm cuối tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), sau khi hoàn thành kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Theo Ban quản lý dự án 7, tuyến có hai gói thầu xây lắp đã triển khai thi công nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là mặt bằng thi công và mỏ vật liệu đất đắp chưa được tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho khai thác, đặc biệt là tại gói thầu XL01 chưa có đất để đắp.
Kế hoạch toàn dự án cần 18 mỏ vật liệu, song đến nay chủ đầu tư mới thỏa thuận được 5 mỏ. Một số mỏ còn lại, chủ dự án không tìm được chủ đất hoặc không thỏa thuận được giá thuê. Trong khi việc tìm kiếm nguồn đất đắp nền rất quan trọng, nhất là 50 km từ hầm Cổ Mã về đến nút giao quốc lộ 27.
Từ đó, Ban quản lý dự án 7 đề xuất UBND tỉnh Khánh Hoà cho chủ trương khảo sát, bổ sung mỏ khác trong thời gian tới để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án. "Hiện nay có khoảng 1.000 ha đất hoang hóa tại lâm trường Bắc Khánh Hòa. Chúng tôi rất mong muốn được khai thác đất nên chúng tôi xin chủ trương từ tỉnh", đại diện chủ đầu tư nói.
Trước kiến nghị nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết nếu chủ đầu tư không thể thỏa thuận được với các mỏ đất đắp, tỉnh đồng ý chủ trương để doanh nghiệp tìm thêm các mỏ đất đắp khác bù vào. Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, rà soát việc đưa các mỏ đất để phục vụ nguyên vật liệu cho dự án.
Tình trạng thiếu nguyên vật liệu xảy ra phổ biến ở các dự án giao thông quy mô lớn. Thời gian gian qua các dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết, Cần Thơ - Cà Mau... rơi vào tình trạng tương tự. Đây cũng là lý do khiến các tuyến chậm tiến độ. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo đơn vị liên quan tìm nguồn vật liệu mới, trong đó nghiên cứu, thí điểm dùng cát biển để đắp nền.
Bùi Toàn