Chiều 26/3, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, ông Huệ đề nghị Thứ trưởng Giao thông Vận tải làm tổ trưởng, Phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành. Tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc của từng đơn vị liên quan để báo cáo Chính phủ quyết định việc nghiệm thu, bàn giao và vận hành tuyến đường sắt.
"Đây là dự án quan trọng của quốc gia, cần đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại", Bí thư Hà Nội nói.
Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu. Dự án hoàn thành sẽ được bàn giao cho thành phố Hà Nội tiếp quản, vận hành và trả nợ các khoản vay đầu tư.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), dự án đang được nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thiết bị; chỉ còn hạng mục đoàn tàu chờ cấp chứng nhận đăng kiểm chính thức. Theo quy định, dự án trước khi được đưa vào vận hành chính thức phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận kiểm định an toàn các đoàn tàu.
Ngoài việc kiểm định an toàn, dự án còn phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống do liên danh Apave-Certifier-Tric, tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị độc lập này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vướng mắc nhất hiện nay là thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước (ban hành cách đây hơn một năm). Ngoài ra, diễn biến phức tạp của Covid-19 cũng làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho Hà Nội theo kế hoạch.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.
Võ Hải