Đề xuất vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM, sau khi cùng nhà đầu tư khảo sát các vị trí và thống nhất với các đơn vị liên quan. Thời gian thí điểm một năm, sau đó sẽ đánh giá để xây dựng phương án đầu tư cụ thể nếu muốn nhân rộng.
43 điểm đậu xe sẽ làm trên vỉa hè, trạm buýt ở quận 1 và dọc hai tuyến Điện Biện Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3) - nơi thành phố đang nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mỗi điểm đậu xe diện tích 20-30 m2 cho 10-20 xe đậu.
Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khoá thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Người dùng tải và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại và quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất.
Để sử dụng, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng có liên kết với ứng dụng Mobike và cũng dùng ứng dụng này để thanh toán theo tài khoản đăng ký. Giá thuê xe được đề xuất 5.000 đồng cho 30 phút và 10.000 đồng cho một giờ. Doanh nghiệp sau đó nghiên cứu mở rộng khung thời gian sử dụng như 15 phút, 30 phút, 60 phút và đa dạng các loại vé... Đây là mức tham khảo và khi được UBND thành phố chấp thuận sẽ ban hành giá thuê cụ thể.
Để tránh mất cắp, khi đăng ký sử dụng dịch vụ, người dùng phải cung cấp và xác minh sự hợp lệ của thông tin cá nhân. Xe đạp cũng được gắn thẻ định danh, thông qua hệ thống phần mềm, nhân viên điều hành ở trung tâm giám sát được vị trí xe hoặc người dùng đang sử dụng thế nào. Ngoài ra, khóa thông minh trên xe có khả năng cảnh báo và hệ thống ở trung tâm tự động giám sát, cảnh báo khi xe sử dụng quá thời gian, không trả...
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc phát triển các loại hình xe đạp, xe máy điện công cộng phù hợp khi giúp hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Việc này cũng tạo thêm lựa chọn cho người dân, du khách tham quan thành phố, góp phần đa dạng hoá lĩnh vực vận tải hành khách công cộng... Sở cũng cho biết đây là dự án xã hội hóa, phù hợp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư để phát triển giao thông công cộng thành phố.
Việc mở dịch vụ cho thuê xe đạp, xe máy điện công cộng ở khu trung tâm TP HCM từng nhiều đơn vị muốn tham gia. Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải cũng tính nghiên cứu thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại quận 1 để thu hút người dân sử dụng xe buýt. Mọi người không phải đi bộ mà lấy xe đạp di chuyển từ các trạm xe đạp đến đón xe buýt hoặc dùng xe đạp để đi tham quan, du lịch... nhưng chưa triển khai. Năm 2018, một doanh nghiệp thử nghiệm dự án xe đạp thông minh E-bike tại Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức), nhưng hiện cũng chưa nhân rộng.
Gia Minh