VACC vừa đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân giá thép tăng, giúp các doanh nghiệp xây dựng tồn tại được, tránh những tổn thất không đáng có".
Theo họ, các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận hàng loạt", phá sản vì giá thép liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay và vào chu kỳ "sóng" tăng đột biến từ cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Giá bán mỗi tấn thép xây dựng đã tăng 30-40% so với cuối năm 2020. Chẳng hạn, thép phi 6 mm Việt Mỹ tại Đà Nẵng hiện 18,4 triệu đồng một tấn, trong khi cuối năm ngoái là 13,14 triệu đồng, mức tăng 40%.
"Các nhà thầu Việt Nam đều vấp phải những khó khăn không có cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng)", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC cho hay.
Không riêng các dự án vốn tư, các dự án sử dụng vốn Nhà nước cũng gặp khó khăn. Họ phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng, nhưng thông báo giá này cập nhật chậm, không theo kịp tốc độ tăng giá ngoài thị trường.
VACC dẫn chứng, giá thép công bố của Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo cho các nhà thầu áp dụng trong thanh quyết toán các công trình thi công chỉ 13,805 triệu đồng một tấn. Trong khi giá thực tế thị trường đã lên tới 17-18 triệu đồng mỗi tấn.
Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép chiếm 10-30% tổng giá trị dự án, vì thế biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
"Các nhà thầu cạnh tranh rất quyết liệt bằng giá chào thầu, nên hiệu quả kỳ vọng thường rất thấp, chỉ đủ chi phí để duy trì sản xuất, lấy dòng tiền nuôi bộ máy. Mỗi đợt tăng giá thép như vậy nhà thầu lại càng thua lỗ và khó khăn thêm", ông Quang Trung - Phó giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nền móng Long Giang chia sẻ. Ông cho biết thêm, ít nhất 3 dự án mời thầu doanh nghiệp này đành bỏ cuộc do "giá thép biến động quá nhanh, làm là cầm chắc lỗ".
Không có dự án ký mới, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu trong cảnh "ăn mòn vào vốn để nuôi bộ máy". Covid-19 đã khiến ngành xây dựng liêu xiêu, vừa hồi phục một chút do các công trình xây dựng khởi động lại, thì nay lại do giá thép phi mã, doanh nghiệp ngành này vì thế bị co lại. "Mỗi ngày cập nhật báo giá thép mới lại giật mình", lãnh đạo một nhà thầu xây dựng tại Hà Nội chia sẻ.
Hiện mỗi tấn thép Hoà Phát được báo giá ở mức 16,5-16,7 triệu đồng một tấn, tuỳ loại. Sau thông báo tăng thêm 600.000 đồng một tấn từ ngày 22/4, thép miền Nam "đứng" ở ngưỡng giá 16,6-16,7 triệu đồng một tấn. Còn thép Pomina tăng thêm 300.000 đồng mỗi tấn từ 22/4, lên 16,9 - 17,2 triệu đồng tuỳ loại.
Báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 3 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. VSA cho biết nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới.
Anh Minh