Theo báo cáo tài chính quý I, Công ty cổ phần tập đoàn Thép Tiến Lên đạt doanh thu thuần hợp nhất gần 979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng. Trong khi doanh thu chỉ tăng gần 4%, Thép Tiến Lên ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ 2020. Với kết quả này, Thép Tiến Lên đã hoàn thành gần một nửa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Tương tự, kết thúc 3 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Thép Mê Lin ghi nhận mức lãi sau thuế tăng gấp 41 lần so với quý I/2020, đạt 15,5 tỷ đồng. Ngoài lực đẩy từ giá thép tăng cao từ cuối năm ngoái, việc Mê Lin tiết giảm tối đa chi phí tài chính, bán hàng đã giúp doanh nghiệp này có mức lợi nhuận quý kỷ lục.
Bất ngờ nhất là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Giá thép tăng và lượng hàng tiêu thụ tốt giúp doanh thu của TISCO đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Sau thời gian dài chìm trong lỗ, quý I năm nay đã ghi nhận mức tăng trưởng 50% với khoản lãi gộp hơn 156 tỷ đồng.
Trừ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ và giảm trừ khoản lỗ khác hơn 3 tỷ đồng, TISCO vẫn báo lãi sau thuế hơn 44 tỷ quý đầu năm. Khoản lãi này gấp 9 lần so với quý I và là mức lãi cao nhất trong 3 năm qua của doanh nghiệp.
Kinh doanh có lãi trở lại nhờ thị trường chuyển biến tích cực về giá, nhưng những gánh nặng và khoản nợ từ dự án mở rộng giai đoạn II vẫn đè nặng lên tài chính của TISCO. Đến cuối quý I, tài sản dở dang dài hạn của riêng dự án mở rộng giai đoạn 2 được ghi nhận trong báo cáo tài chính lên tới hơn 5.738 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn, dài hạn lần lượt giảm 5,6% và 1,3%. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả của TISCO tăng gần 4% so với cuối năm 2020, lên mức 7.733 tỷ đồng.
Chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng sản lượng bán hàng của Hoà Phát đạt kỷ lục, hứa hẹn kết quả kinh doanh quý I ấn tượng. Tập đoàn này cho biết, sản lượng bán hàng tháng 3 đạt trên 1 triệu tấn sản phẩm thép các loại và tôn mạ. Thép xây dựng thành phẩm bán ra thị trường gần 480.000 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ, trong đó 80.000 tấn thép xây dựng để xuất khẩu. Luỹ kế quý I, Hoà Phát bán hơn 2,16 triệu tấn thép các loại, một phần tư trong số này là thép xây dựng với 855.000 tấn, phôi thép xuất khẩu 386.000 tấn...
Không riêng nhóm trong nước, doanh nghiệp ngoại sản xuất thép lĩnh vực này cũng báo lãi lớn. Doanh thu quý I của Formosa Hà Tĩnh tăng gấp rưỡi cùng kỳ, đạt gần 1,1 tỷ USD.
Diễn biến dịch khả quan hơn giúp thị trường xuất khẩu thép dần hồi phục. Riêng Formosa Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất 6,5 triệu tấn phôi thép năm nay. Cùng đó, doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng sản xuất, xây dựng khu gia công phụ trợ và lò đáy quay... tổng vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD.
Khan hiếm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép (quặng sắt, than mỡ, thép cuộn cán nóng HRC...) từ Trung Quốc, Ấn Độ đã đẩy giá thép trong nước tăng vọt. Lượng bán hàng của các doanh nghiệp cũng tăng theo. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá loại vật liệu này vẫn chưa có dấu hiệu dừng, dự kiến còn tăng đến hết quý 3 năm nay. Hiện mỗi tấn quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép cuộn cán nóng (HRC) đã đắt thêm 30-40% so với hồi đầu tháng 3.
Song, việc giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép tăng quá nhanh, theo nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, cũng là rủi ro với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này sau khoảng 2-4 tháng sử dụng hết lượng nguyên liệu trữ trong kho và bán hết hàng tồn kho. "Chi phí nguyên liệu cao sẽ được phản ánh nhiều hơn vào đầu năm tới, sẽ gây áp lực lên các công ty thép. Điều này đặc biệt đúng với những công ty nhỏ, sở hữu thị phần thấp", báo cáo của SSI về ngành thép cho biết.
Về dài hạn, SSI cho rằng, cầu về thép trong nước được hỗ trợ bởi sự phục hồi thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công. Một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.
Kỳ Duyên