Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt. Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng thuế này theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính ngày 1/7, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành gặp "khó khăn chưa từng có trong lịch sử". Do đó, họ đề xuất lùi thời hạn và giảm mức tăng thuế này.
Cụ thể, VBA kiến nghị lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào năm 2027, thay vì 2026 như dự kiến của Bộ Tài chính.
Về thuế suất, với rượu trên 20 độ, Hiệp hội đề nghị tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%. Bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%.
Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ Tài chính muốn tăng thuế nhằm điều chỉnh giá bán thêm 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, VBA cho rằng cơ sở đề xuất điều chỉnh thuế, đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo chỉ tập trung vào mục tiêu tăng giá bán, chưa nhìn nhận ở góc độ ảnh hưởng tới giảm tiêu dùng, ngân sách hay doanh nghiệp.
Họ cho rằng báo cáo đánh giá tác động tập trung ở giai đoạn trước dịch - năm 2019, khi ngành đồ uống chưa gặp khó khăn như hiện nay. Do đó, điều này không phản ảnh đúng tình hình doanh nghiệp lúc này.
Theo VBA, ngành bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Việt Nam sản xuất, tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia một năm. Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Song, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do giảm sản lượng bán hàng.
Chẳng hạn, Heineken Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm thị trường ở mức hai con số trong năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Sabeco có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành nhưng từ năm 2021, doanh nghiệp này tăng trưởng âm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống cũng gặp khó bởi đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không tăng.
Tương tự, ngành rượu, Halico ghi nhận lỗ liên tiếp 27 quý. Lũy kế của doanh nghiệp này lên tới gần 458 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo VBA, thuế cao sẽ khiến hàng lậu gia tăng, hiện khoảng 200-300 triệu lít bia nhái thương hiệu mỗi năm. Họ đề nghị ngoài giải pháp tăng thuế, nhà chức trách cần chống hàng lậu để bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, sức khỏe người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách.
Ngoài rượu, bia, Bộ Tài chính cũng tính áp thuế suất 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Ở lần kiến nghị này, VBA cũng đề nghị cơ quan soạn thảo không đánh thuế này với nước ngọt có hàm lượng đường trên 5g trong 100ml. Theo họ, việc áp thuế với mặt hàng này không khả thi để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, khi bệnh do nhiều yếu tố, không phải do sử dụng nước ngọt.
Phương Dung