Kiến nghị được đại diện Cục CSGT (C08) đưa ra khi cùng đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát thực tế tuyến cao tốc mới đây, để chuẩn bị cho khai thác vào hai ngày tới. Việc giảm tốc độ nhằm đảm bảo an toàn cho xe chạy, bởi tuyến còn một số hạng mục nút giao, đường dẫn, hàng rào chưa hoàn thiện.
Ngoài việc giảm vận tốc chung trên toàn tuyến, các đơn vị cũng thống nhất đề xuất đối với những đoạn chưa đảm bảo an toàn, xe chỉ được chạy tối đa 80 km/h trong thời gian khai thác tạm.
Trước đó khi kiểm tra công trình, đoàn liên ngành cho biết toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 7 nút giao liên kết với các tuyến quốc lộ và đường tỉnh xung quanh, song chỉ ba điểm đã hoàn thành đủ điều kiện kết nối. Trên tuyến còn 35 cầu từ đường địa phương băng qua, nhưng phần lớn chưa xong đường dẫn, hàng rào... Ngoài ra, hệ thống vạch sơn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo một số đoạn trên tuyến chính chưa lắp đặt xong.
Để đảm bảo an toàn khi công trình đưa vào khai thác, đoàn kiểm tra yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) khắc phục các tồn tại trên, trong đó lưu ý nhất là hệ thống biển báo hiệu, hàng rào, vạch sơn. Đồng thời, chủ đầu tư cần có giải pháp rào chắn, ngăn xe, người, gia súc vào cao tốc tại các nút giao chưa đủ điều kiện kết nối trong trong lúc khai thác tạm.
Bộ Giao thông Vận tải cho phép tốc độ chạy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tối đa 120km/h, tối thiểu 60km/h. Khi trời mưa, nhiều sương mù, mặt đường trơn trượt, tài xế phải điều chỉnh tốc độ thích hợp để đảm bảo an toàn.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ thông xe ngày 29/4, tạo thuận lợi cho người dân đi lại dịp lễ. Tuyến đường này được đầu tư với kinh phí hơn 12.500 tỷ đồng, 6 làn xe. Khi đưa vào vận hành, thời gian xe từ TP HCM tới thành phố biển tại Bình Thuận còn hơn 2 giờ, thay vì 4-5 giờ.
Gia Minh - Phước Tuấn