Trong tờ trình dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã chốt phương án này sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ ngành và đơn vị liên quan.
Hiện nay, cơ sở kinh doanh khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng và thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 tháng tiếp theo. Để việc gia hạn nộp thuế không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tháng 10 và tháng 11 với hạn chậm nộp muộn nhất tương ứng vào 20/12 và 30/12 năm nay.
Đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực từ ngày ký. Hết thời gian gia hạn, việc nộp thuế của doanh nghiệp được thực hiện như các quy định hiện hành.
Trước đó, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có góp ý nên kéo dài thời gian gia hạn thêm ít nhất 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là theo quyết định của Chính phủ, việc gia hạn không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội quyết định.
Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, việc gia hạn nộp thuế lần này có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, khả năng bị khởi kiện là không cao do thời hạn áp dụng biện pháp rất ngắn.
Nửa đầu năm, số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là hơn 19.500 tỷ đồng. Từ tháng 7, dịch bùng mạnh tại nhiều địa phương trọng điểm kinh tế nên Bộ Tài chính dự báo thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vào những tháng cuối năm khoảng 2.200 tỷ đồng mỗi tháng. Tổng số thuế dự kiến được gia hạn là 4.400 tỷ nhưng không ảnh hưởng đến ngân sách năm nay.
Quỳnh Trang