Ngày 19/8, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém các dự án chậm tiến độ, thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Ông cho biết, Ban chỉ đạo thống nhất và sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 8 đưa 3 dự án, gồm DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước ra khỏi diện theo dõi, xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Các tập đoàn, tổng công ty quản lý, chủ đầu tư các dự án này sẽ chịu trách nhiệm toàn diện việc xử lý, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ giám sát quá trình xử lý của các tập đoàn, tổng công ty tại các dự án này.
Hiện còn 5 dự án có tranh chấp, vướng mắc trong xử lý quyết toán hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc. Đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Giải quyết vướng mắc này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các chủ đầu tư phải xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng phương án xử lý khả thi trong tháng 8. Phương án xử lý này sẽ là cơ sở để Ban Chỉ đạo triển khai việc cơ cấu lại, bán hoặc thoái vốn tại các dự án, cũng như làm rõ và xử lý sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý, việc thuê tư vấn độc lập định giá tại các dự án theo đề xuất của các bộ, ngành phải "trung thực, khách quan, đánh giá đúng giá trị thực tài sản", bởi đây là căn cứ xây dựng phương án xử lý dứt điểm với các dự án đang chưa quyết toán được hợp đồng EPC.
Ông nhắc thời gian còn lại để xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ theo kế hoạch của Chính phủ không nhiều, nên "các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đề cao trách nhiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án".
"Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án này, quá trình xử lý phải nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an ninh, an toàn xã hội", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương có tổng mức đầu tư ban đầu gần 43.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 63.610 tỷ đồng (tăng gần 46%). Trong đó, vốn chủ sở hữu trên 14.350 tỷ đồng (khoảng 23%), vốn vay hơn 47.451 tỷ đồng (75%), còn lại gần 2,9% từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay, khoản từ ngân hàng trong nước hơn 41.801 tỷ đồng, còn lại là vay bảo lãnh của Chính phủ.
Sau 3 năm xử lý 12 dự án này, chỉ 2 dự án bắt đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung. Năm 2018, DAP số 1 - Hải Phòng lãi 227,5 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 6,3 tỷ; còn Nhà máy thép Việt - Trung lãi sau thuế năm 2018 là 397 tỷ đồng.
Hai đơn vị khác giảm lỗ, một dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng hoạt động (dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ), còn lại 7 dự án vẫn thua lỗ, đầu tư dở dang, dừng hoạt động.
Anh Minh