Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị cho phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó có nội dung về di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội.
Bộ Xây dựng chia thành hai nhóm trụ sở. Nhóm đề xuất di dời gồm 13 trụ sở bộ, ngành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin Truyền thông; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam.
Với nhóm này, Bộ Xây dựng đã tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc bộ, ngành tại tây Hồ Tây. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ đang chỉ đạo hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, làm cơ sở đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Nhóm xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan. Trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Hội Nông dân (7 cơ quan đã đưa vào sử dụng; trụ sở Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện).
15 cơ quan giữ nguyên trụ sở gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Bộ Xây dựng cho hay Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu tây Hồ Tây (khoảng 35 ha) và một phần tại khu Mễ Trì. Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về đồ án quy hoạch tại hai khu này, lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phường Mễ Trì và Trung Văn (Nam Từ Liêm), phường Xuân La (Tây Hồ), phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm).
"Đến ngày 16/9, Bộ Xây dựng đã nhận đủ văn bản góp ý, đa số đồng thuận với nội dung chính của đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai", báo cáo nêu. Việc này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022 và trình Thủ tướng vào cuối năm để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Về khó khăn trong di dời trụ sở bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết vướng mắc lớn nhất là nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Ngoài ra các bộ, ngành và TP Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành và TP Hà Nội thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch, xác định danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Các bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội được hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời trong nội thành Hà Nội.
Bộ Tài chính phối hợp với bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, các tỉnh trong vùng thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu.
Bắt đầu từ chiều 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ mở màn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.
Ông Nghị sẽ trả lời về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam, nhất là ở thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội; xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại khu kinh tế, khu công nghiệp và thành phố lớn.
Bộ trưởng cũng sẽ làm rõ vấn đề quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia.