Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất được trình bày tại hội nghị góp ý ở Cần Thơ, ngày 19/3. Trong tổng vốn, có 360 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới và 15 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết dự án nhằm phục vụ Đề án một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Chính phủ.
Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2026-2031 tại 12 tỉnh, thành miền Tây gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
"Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao tại miền Tây", ông Hinh nói và cho biết kết quả sẽ đo được qua các chỉ số như: tăng năng suất, sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín chỉ carbon...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nói đây là dự án trọng yếu cơ bản để triển khai Đề án một triệu ha lúa. Trong đó, dự án tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm gồm: hệ thống thủy lợi, giao thông liên vùng, logistic và cơ giới hóa đồng bộ.
Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Đề án nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam và thu nhập của nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.
Đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong vùng sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...
Hiện, mỗi năm miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
An Bình