Tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chiều 16/9, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp băn khoăn, dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới có giải quyết được các hạn chế hiện nay hay không. Câu hỏi này được hướng tới Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tuy nhiên, ở phần chia sẻ sau đó, ông Nguyễn Chí Dũng chỉ khẳng định, việc có riêng một luật về PPP sẽ "đảm bảo tính đặc thù, tránh rủi ro của loại hình đầu tư này".
Trước đó, thẩm tra dự án luật này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần làm rõ tính chất đặc thù, khác biệt giữa dự án PPP với các dự án đầu tư công hoặc đầu tư thuần tuý khác. "Cần đánh giá dựa trên tính chất, sự cần thiết, mức độ rủi ro, khả năng cân đối vốn của khu vực công, sự quan tâm của khu vực tư nhân, cũng như có các phương án so sánh về tính hiệu quả để xác định ưu tiên hình thức nào", ông Thanh nêu quan điểm.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị "thận trọng với chỉ định thầu các dự án". Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai các dự án PPP thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, dự thảo hợp đồng PPP thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, chẳng hạn nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án.
Vì thế, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạn h tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Liên quan đến quy định về vốn, dự thảo luật được thiết kế theo hướng có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, quy định này theo cơ quan thẩm tra chưa đủ chặt chẽ.
Ông Vũ Hồng Thanh nói, nếu không tách bạch được phần vốn đầu tư sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi họ vừa phải tuân theo quy định thanh tra, kiểm tra của luật chuyên ngành, vừa phải tuân thủ quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cũng như giải trình trước cơ quan có thẩm quyền.
"Dự luật cần làm rõ hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải xác định đây là luật hình thức hay luật nội dung. Nếu là luật hình thức sẽ đơn giản hơn, còn nếu là luật nội dung thì phải đảm bảo thống nhất với luật hiện hành. Vì đưa ra luật PPP thì nhiều nội dung sẽ đụng chạm tới nhiều luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai...
Bà Ngân nhắc lại bài học khi làm Luật Quy hoạch, do phức tạp nên phải sửa 40 luật chuyên ngành khác. Với dự Luật đối tác công tư PPP lần này, bà Ngân nói, "nếu đụng chạm quá nhiều, gây ách tắc và xáo trộn thì phải cân nhắc".
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm, dự Luật PPP được thiết kế với quy mô lớn như hiện nay chắc chắn sẽ xung đột với nhiều luật hiện hành. Theo ông, luật này chỉ nên tập trung vào phần ký hợp đồng, cụ thể là hợp đồng BOT. "Nguyên tắc tối cao của hợp đồng là tự nguyện, thoả thuận, trên nguyên tắc không trái pháp luật đã được luật khác quy định", ông góp ý.
Dự kiến, dự Luật Đối tác công - tư sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào tháng 10.
Anh Minh