"Việc xây cống trên sông Hàm Luông đoạn qua Tiền Giang không chỉ ngăn mặn, trữ ngọt cho Bến Tre, mà còn vừa hạn chế được lượng nước mặn vào Tiền Giang như năm nay", ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho hay, ngày 15/5.
Trước đó, tỉnh Bến Tre cũng từng đề xuất dự án này với Tổng cục Thủy lợi.
Sông Hàm Luông dài 70 km, là một phân lưu của sông Tiền, chảy qua tỉnh Bến Tre, lòng sông sâu 12-15 m, rộng 1.200 m-1.500 m trước khi đổ ra biển. Năm nay, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào sông Hàm Luông gần 80 km.
Theo ông Pháp, dòng chảy thượng nguồn Mekong gần đây luôn luôn ở mức thấp, không phải do El Nino, mà là khai thác nước thượng nguồn. Do vậy, vấn đề đầu tư cho kịch bản ứng phó, nhất là trữ nước ngọt phải càng sớm càng tốt.
Ngoài đề xuất trên, dự án đắp đập hai đầu sông Cửa Trung (Tân Phú Đông) và đắp đập hai đầu kênh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành, Tân Phước) cũng tiếp tục được tỉnh đề xuất với Tổng cục Thủy lợi.
Dự án hồ chứa sông Cửa Trung được đề xuất từ hai năm trước, hồ rộng 200-400 m, dài hơn 14 km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập Cửa Trung Thượng và Cửa Trung Hạ với tổng kinh phí dự kiến gần 900 tỷ đồng. Hồ sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước cho sinh hoạt hơn 44.000 dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn.
Dự án hồ chứa nước kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19 km, rộng 65 m, được xây hệ thống cống đóng mở hai đầu, một đầu giáp với sông Tiền, đầu còn lại giáp kênh Nguyễn Văn Tiếp (Tân Phước), tổng kinh phí 400 tỷ đồng, cung cấp cho hơn 800.000 dân mùa khô hạn. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là hai hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây.
"Nếu mùa hạn năm sau dự án kênh Nguyễn Tấn Thành chưa được phê duyệt, chúng tôi vẫn sẽ đắp đập tạm để ngăn mặn, vì chi mười mấy tỷ làm đập tạm, còn hơn bỏ vài trăm tỷ để mua nước ngọt như các nơi khác", ông Pháp nói.
Tiền Giang cũng đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các cống khác. Những cống nhỏ tỉnh sẽ làm trước, các cống quy mô sẽ đề xuất Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mục tiêu của tỉnh này nhằm bảo vệ 24.000 ha lúa đông xuân, hơn 80.000 ha cây ăn quả và nước sinh hoạt cho hơn 1,7 triệu dân.
Ông Lương Văn Anh, Tổng cục phó Tổng cục Thủy Lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận cả ba đề xuất nói trên.
"Riêng với dự án đắp đập trên sông Hàm Luông, các địa phương cần phải cân nhắc, cẩn trọng đánh giá nhiều yếu tố khác nhau, trước mắt là tiếp tục nghiên cứu, không thể nói là làm ngay được", ông Anh nói.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Hoàng Nam