Tại Hội nghị giáo dục quốc tế Teaching and Learning Summit do Đại học VinUni tổ chức sáng 17/6, lãnh đạo các trường đã chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về vai trò của đại học trong thế kỷ 21, đặc biệt là trong việc hỗ trợ hướng nghiệp cho giới trẻ và đào tạo kỹ năng cho giáo viên phổ thông.
TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni, dẫn câu chuyện của một sinh viên năm hai. Em này tạo ra một nền tảng công nghệ, gọi vốn được hàng chục nghìn USD. Với tiềm lực kinh tế này, nam sinh 19 tuổi thuê nhiều nhân viên từ các tập đoàn công nghệ - những người hơn em rất nhiều tuổi - để cùng nghiên cứu và phát triển dự án tại Singapore.
Bà Lan cho rằng để đạt được thành tựu khi ra đời, lập nghiệp, học sinh cần được hướng nghiệp từ bậc phổ thông, với sự hỗ trợ của các đại học. Theo bà, hoạt động hướng nghiệp không nhất thiết là những tiết nghe giảng trên lớp, mà có thể triển khai theo mô hình trại hè, khoá học ngắn hạn.
Theo bà Mai Lan, đội ngũ tư vấn, chia sẻ không chỉ là giảng viên đại học mà có thể là sinh viên. "Đôi khi, học sinh nghe lời khuyên từ sinh viên sẽ dễ hiểu và thích thú hơn từ người lớn", bà Lan nói.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định hoạt động hướng nghiệp nếu làm tốt sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ cho xã hội. "Không cần điểm lại những câu chuyện sinh viên chọn sai ngành rồi hối hận hoặc bỏ học, bởi tình trạng này không ít. Tôi cho rằng hướng nghiệp thực sự quan trọng và phải thực hiện ngay từ phổ thông", ông Thắng nói.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông", nhưng quá trình triển khai chủ yếu mang tính hình thức, mạnh trường nào trường đó làm, và ít có sự tham gia của các đơn vị liên quan như các trường cao đẳng, đại học hoặc doanh nghiệp. Học sinh đến trường chủ yếu học để đạt điểm cao, hầu hết không được định hướng nghề nghiệp.
Theo một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019, khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề đã lựa chọn.
Lãnh đạo các trường nhận định giai đoạn 2021-2025, mọi lĩnh vực trong đời sống sẽ có sự thay đổi lớn. Do đó, đào tạo kỹ năng thế nào để sinh viên thích ứng được với thời đại là việc cần đầu tư.
Ngoài việc phối hợp với trường phổ thông tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, các lãnh đạo gợi ý trường đại học có thể tiếp cận và tập huấn kỹ năng sư phạm cho giáo viên.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, thấy rằng giáo viên phổ thông ít được dự các hội thảo, lớp tập huấn, chia sẻ thông tin. Chỉ số ít thầy cô tại các trường tư được trải nghiệm những hoạt động này.
Bà nhận định việc bị hạn chế tiếp cận những phương pháp tiên tiến, kỹ năng mới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên phổ thông. Khi đó, tiềm năng và các phẩm chất của học sinh cũng không được trau dồi và khai thác một cách tối đa. Vì vậy, bà cho rằng bên cạnh việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, về lâu dài, trình độ của giáo viên cần được cải thiện, bởi thầy cô là những người gần học sinh hơn cả.
Các lãnh đạo đại học đều cho rằng để có nguồn sinh viên chất lượng tốt, đủ năng lực tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng cao, việc các đại học phối hợp với nhau để tiếp cận, tham gia vào hoạt động của trường phổ thông là tất yếu.
Thanh Hằng