Góp ý dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc quản lý hoạt động này "cần cân nhắc kỹ để đảm bảo cân bằng".
VCCI gợi ý có thể ban hành một văn bản "Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng" với dung lượng ngắn gọn, nêu những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng. Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng 2 bản sao văn bản trên.
Trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao "Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng" theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.
Ngoài ra, để quản chặt hơn nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng, gồm danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép; khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính...
Cơ quan này lập luận, Thông tư 43 đã quy định công ty tài chính phải cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký, niêm yết hợp đồng theo mẫu... Song nhiều công ty tài chính đã không thực hiện đầy đủ quy định này và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cân nhắc việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách vay như quy định tại dự thảo, là công ty tài chính chỉ giải ngân khi khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và tổng dư nợ giải ngân không quá 30%... Thay vào đó cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn sự cần thiết của quy định này trong bối cảnh cần đẩy lùi tín dụng đen, nợ xấu và tính thanh khoản của các công ty tài chính.
"Kể cả đã có công ty tài chính mất thanh khoản vì cho vay tiêu dùng, liệu có cần thiết phải áp dụng biện pháp này không khi nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của các công ty tài chính, khiến cho việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn", VCCI lập luận.
Kế hoạch siết lại hoạt động, lãi suất cho vay của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong bối cảnh mức lãi vay bị đẩy lên 40-50% một năm, có trường hợp 85% một năm. Chưa kể, cách thu hồi nợ của một số công ty tài chính gây bức xúc cho người vay, như gọi điện thoại liên tục cho người thân, thậm chí có biểu hiện quấy rối, đe dọa gây áp lực tâm lý...
Ngoài ra, sau thời gian phát triển bùng nổ, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính bắt đầu dấu hiệu giảm tốc từ năm 2018. Hạn mức tăng trưởng tín dụng của 3 công ty tài chính lớn nhất khoảng 26% trong năm 2018, nhưng thực tế tăng trưởng đạt được chỉ xấp xỉ 17%.
Anh Minh