Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Ngoài những nội dung chặt chẽ hơn với hoạt động đòi nợ, dự thảo mới cũng siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính.
Dự thảo chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành hai loại, cho vay giải ngân gián tiếp (qua bên bán hàng) và cho vay giải ngân trực tiếp cho người vay. Theo quy định mới, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp với khách hàng vay có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của CIC khi ký hợp đồng. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), điều này có nghĩa các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng không có thông tin tín dụng.
Ngoài ra, một điểm quan trọng khác là dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính.
"Nếu dự thảo này được thông qua thì ngành cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến sự giảm tốc rõ rệt", bình luận của HSC trong báo cáo gửi các khách hàng về dự thảo mới của Ngân hàng Nhà nước.
Từ những nghiên cứu riêng, HSC cho rằng những công ty tài chính lớn trên thị trường đều đang có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao hơn tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước giới hạn trong dự thảo thông tư mới. Tỷ lệ cho vay tiền mặt cao nhất, theo tính toán của công ty chứng khoán này, thuộc về FE Credit với khoảng 80%. Hai công ty giữ thị phần đứng sau là HD Saison và Home Credit có tỷ lệ lần lượt khoảng 40% và 50%.
Ngoài ra các công ty này cũng thường có một tỷ lệ khách hàng vay tiền mặt là người mới vay lần đầu, điều mà dự thảo đề xuất cấm.
Nhóm phân tích cũng cho rằng năm 2019 sẽ là năm thắt chặt tăng trưởng tín dụng với nhóm công ty tài chính giữ thị phần đứng đầu. HSC nhận định mức tăng trưởng tín dụng năm nay cho nhóm này tạm thời có thể chỉ khoảng 12%, với FE Credit khoảng 10% còn HD Saison và Home Credit khoảng 15%.
"Hiện còn quá sớm để định lượng ảnh hưởng với toàn ngành, tuy nhiên có vẻ chắc chắn ngành cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự giảm tốc nhằm nâng cao chất lượng tài sản trước khi có thể tăng tốc trở lại", nhóm phân tích của HSC bình luận.
Sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh, thực tế, cũng bộc lộ từ năm 2018 với những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. Năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng cơ quan điều hành dành cho ba công ty tài chính lớn nhất khoảng 26%. Tuy nhiên đến cuối năm, tăng trưởng thực tế chưa tới 17%.
FE Credit tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 18,9% so với hạn mức được cấp khoảng 20%, trong khi HD Saison và Home Credit chỉ tăng tín dụng chưa tới 13% so với hạn mức khoảng 35% được cấp.
Khó khăn trong tăng trưởng tín dụng trải dài trong cả năm 2018. Trong nửa đầu năm, FE Credit và HD Saison gần như không tăng trưởng dư nợ cho vay do phải tập trung xử lý những tồn đọng từ giai đoạn trước và thay đổi trong định hướng hoạt động.
Đại diện FE Credit cho biết đơn vị này phải chấn chỉnh lại hoạt động cho vay và đòi nợ trong khi đội ngũ nhân sự thiếu hụt do bị cạnh tranh từ những doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Tăng trưởng tín dụng của FE Credit, thực tế, cũng chỉ tăng mạnh trong tháng cuối năm 2018.
Minh Sơn