Luật Điện lực quy định "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện", nhưng chưa nêu rõ độc quyền trong hoạt động nào. Vì thế, để tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích thêm.
Tuy nhiên, sau khi tham vấn ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương cho rằng việc ban hành Nghị quyết này sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí chưa nằm trong chương trình xây dựng văn bản của Chính phủ. Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư (PPP) sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.
Bộ này cũng cho rằng nếu chỉ ban hành Nghị quyết giải thích cho Luật Điện lực cũng chưa giải quyết tổng thể các vấn đề. Do đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.
Trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy, cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia thì thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đấu nối theo các quy định tại Luật Điện lực. Theo đó, các đơn vị phát điện, phân phối, khách hàng dùng điện có thể thỏa thuận về phạm vi đầu tư (trạm biến áp, đường dây) để đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện, hoặc để sử dụng.
Trường hợp vướng mắc trong thỏa thuận đấu nối, nhà đầu tư hoặc điện lực đề xuất Bộ Công Thương giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng giải quyết.
Bộ Công Thương cũng muốn được giao rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55 về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Góp ý kiến việc có nên cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện hay không, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho rằng, cần xác định rõ phạm vi khác nhau giữa hệ thống truyền tải điện quốc gia và truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện, cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Theo EVNNPT, hệ thống truyền tải điện quốc gia mang tính xương sống và huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng. Quá trình đầu tư, quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối... Nếu không sẽ dẫn tới sự cố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảm bảo cung cấp điện và đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng. Do đó, hệ thống truyền tải điện quốc gia Nhà nước cần phải độc quyền trong cả đầu tư, quản lý vận hành.
Còn hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối một hoặc một cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, lưới điện này chỉ mang tính cục bộ, có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra. Hạng mục này, theo đó, Nhà nước có thể không độc quyền trong đầu tư, quản lý vận hành.
Quan điểm này sau đó nhận sự đồng tình của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, hiện chưa có định nghĩa rõ ràng với khái niệm hoạt động truyền tải gồm các hoạt động cụ thể nào. Do đó, EVNNPT đề nghị Bộ Công Thương xem xét cụ thể thêm vấn đề này để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, có hướng dẫn đầy đủ với toàn bộ hoạt động truyền tải.
Anh Minh