Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2021, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng hai lần so với trước. Việc điều chỉnh nguyện vọng phải được thực hiện bằng trực tuyến.
Việc điều chỉnh này tạo điều kiện cho thi sinh kiểm tra lại nhiều lần, hạn chế sai sót và tăng khả năng trúng tuyển. Tuy nhiên, tại hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 ngày 25/3 ở bốn điểm cầu Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chỉ cần cho thí sinh hai lần điều chỉnh nguyện vọng.
Theo ông Đức, việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tới ba lần là "khá dài dòng" khiến các trường mất thời gian chờ đợi các em chốt nguyện vọng. "Hai lần điều chỉnh thực chất đã là ba lần rồi bởi ở lần đăng ký xét tuyển ban đầu, các em cũng đã có suy nghĩ về nguyện vọng của mình", ông Đức nói.
Cũng băn khoăn việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ba lần, ông Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc có được điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tiếp hay không và nếu có sẽ như thế nào bởi "thí sinh ba lần điều chỉnh trực tiếp thì các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ rất vất vả".
Tại Đà Nẵng, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết một số trường bày tỏ mong muốn chỉ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng hai lần và ấn định thời gian để việc này chỉ diễn ra khoảng 10 ngày, đảm bảo công tác lọc ảo và tính chủ động của các trường. Ngoài ra, tại điểm cầu này, có ý kiến cho rằng nên giới hạn số nguyện vọng của thí sinh.
Ngược lại với đề xuất trên, ông Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Đại học FPT ủng hộ việc cho phép thí sinh đổi nguyện vọng ba lần vì tạo thuận lợi cho thí sinh. Đại học Bách khoa Hà Nội hay Mở Hà Nội cũng đồng tình.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay việc đổi nguyện vọng dù hai hay ba lần cũng sẽ được yêu cầu trong khoảng thời gian nhất định như 5 hoặc 10 ngày. Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc đăng ký xét tuyển có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến nhưng điều chỉnh nguyện vọng chỉ áp dụng trực tuyến. Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp, vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều chỉnh.
Giảm lệ phí đăng ký xét tuyển
Cũng tại hội nghị tuyển sinh ngày 25/3, đại diện các trường đã trao đổi và đề xuất mức thu lệ phí đăng ký tuyển sinh nên "đồng giá" 25.000 đồng một nguyện vọng, giảm 5.000 so với năm ngoái.
Những năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất mức lệ phí xét tuyển chung là 30.000 đồng một nguyện vọng. Tuy nhiên, từ năm nay, theo Luật Giáo dục đại học và Luật Giá, các trường đại học phải chủ động đưa ra mức lệ phí đăng ký xét tuyển. Theo quy định này, mỗi trường tự cân nhắc mức phí riêng. Điều này gây khó khăn cho cả thí sinh và nơi thu hồ sơ và lệ phí.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đưa ra mức giá chung sẽ giúp thí sinh yên tâm đăng ký mà không phải bận tâm khi mỗi nguyện vọng vào các trường lại phải nộp các khoản phí khác nhau. PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân, cùng đại diện nhiều trường khác nêu ý kiến tương tự bởi cho rằng "không nên để thí sinh bị phân tâm khi đăng ký chỉ vì mức phí".
Nhiều đại biểu có mặt ở hội nghị đã ký biên bản, trong đó thống nhất mức thu lệ phí đăng ký xét tuyển nguyện vọng là 25.000 đồng trên một nguyện vọng. Trong đó, 15.000 đồng sẽ để lại cho Sở Giáo dục và Đào tạo để sử dụng cho các công tác liên quan đến đăng ký xét tuyển tại Sở và các điểm tiếp nhận hồ sơ. 10.000 đồng còn lại sẽ phân bổ về các trường - nơi thí sinh có nguyện vọng, để có kinh phí xét tuyển, điều phối hoạt động tuyển sinh, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn quốc, phần mềm đăng ký xét tuyển và lọc ảo.