Đề xuất được ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận, nêu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ 5, tổ chức tại TP Nha Trang, ngày 31/12.
Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội cuối 2009, với dự kiến xây hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW, tổng đầu tư ban đầu 200.000 tỷ đồng. Đến năm 2016 dự án tạm dừng. Hôm 30/11, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước sẽ tăng cao.
Tại hội nghị điều phối vùng, Chủ tịch UBND Ninh Thuận cho biết địa phương được xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nên năng lượng tái tạo (gồm điện hạt nhân) là trụ cột số một của tỉnh trong vòng 20 năm tới.
Ngoài ra tỉnh đang dành nhiều điều kiện để triển khai dự án điện hạt nhân và được người dân trong tỉnh đồng tình. Theo ông Nam, điện hạt nhân sẽ tạo nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch, đô thị và cơ hội để nhiều nhà đầu tư đến Ninh Thuận chứ "không phải có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tỉnh".
"Kiến nghị Trung ương sớm có cơ chế, ưu tiên đặc thù để triển khai dự án, đồng thời có chiến lược tuyên truyền dự án điện hạt nhân để nhiều người dân biết đến, vì đây là dự án cả nước đặc biệt quan tâm", ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết bộ đang phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương để đáp ứng được trong tình hình mới, trong đó có dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương lên kế hoạch làm việc với các bên liên quan để phát triển điện năng lượng hạt nhân, lấy loại năng lượng này là quy trình để phát triển năng lượng sạch và tái tạo "Các trung tâm năng lượng phải gắn với hạ tầng năng lượng nên cần định vị, ưu tiên, xác định các hệ sinh thái đi kèm các hạng mục này", ông Hà chỉ đạo.
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành kéo dài từ Thanh Hóa tới Bình Thuận. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong năm 2024 vùng thu hút mới 144 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 11,83% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, 2025 sẽ là năm đi vào cơ chế tổ chức mới nên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải đảm bảo tính kế thừa và bền vững. Các địa phương cần phải phát huy được lợi thế vùng, giảm bớt các xung đột ở từng địa phương; tận dụng thế mạnh trong cơ chế chuyển đổi số như hiện nay.
Bùi Toàn