Công ty CP Tư vấn Trường Sơn nêu đề xuất trên tại cuộc họp phương án tổ chức giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, sáng 27/3.
Đề xuất dựa trên kết quả đếm xe từ ngày 15 đến 17/3 tại điểm vào cao tốc và số liệu xe qua trạm Đông Hà trên quốc lộ 1 ở tỉnh Quảng Trị, tuyến đường song song cao tốc.
Trung bình trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn có số xe CPU (quy đổi từ các loại ôtô, xe tải khác ra ôtô con) gần 10.000 xe mỗi ngày đêm, trong đó xe tải chiếm gần một nửa. Cao tốc này tương đương quốc lộ hai làn và không có dải phân cách cứng, lưu lượng đã đạt năng lực thông hành với 9.000-11.000 xe lưu thông.
Trong khi đó, quốc lộ 1 tại trạm Ðông Hà có hơn 26.000 xe lưu thông mỗi ngày đêm, nhưng xe tải nặng chỉ chiếm 37%. Căn cứ tiêu chuẩn đường ôtô bốn làn có dải phân cách giữa, quốc lộ 1 có năng lực thông hành 31.000-33.500 xe mỗi ngày, như vậy còn khoảng 6.000 xe mới đạt.
Do vậy, đơn vị tư vấn cho rằng việc phân luồng xe khách trên 30 chỗ và xe tải nặng trên 30 tấn sang tuyến đường này là khả thi.
Đồng tình phương án trên, ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, phân tích cao tốc Cam Lộ - La Sơn có mặt đường tương đương cấp 3, chỉ có hai làn rộng 7 m, địa hình dốc. Xe tải nặng thường chạy 40-50 km/h, không thể đạt tốc độ tối thiểu 60 km/h, làm giảm năng lực thông hành và gây ức chế khiến xe đằng sau phải vượt sai phép.
Trên cơ sở khai thác thực tế, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh cho rằng điều tiết xe tải nặng trên 6 trục (trên 30 tấn) sang quốc lộ 1 là phù hợp, bởi tuyến này còn khả năng tiếp nhận trong khi khi cao tốc đã đạt công suất.
Theo ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu quản lý đường bộ 2, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có đặc thù đi qua miền núi, địa bàn Thừa Thiên Huế có mưa lớn kéo dài trong năm. Vào ban đêm, tài xế thường bị hạn chế tầm nhìn, khi mưa dễ trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Tại các điểm vượt xe, xe tải đi theo đoàn thường đi chậm, xe nhỏ tốc độ cao cũng khó vượt.
"Chưa phải cao điểm lễ Tết mà lưu lượng xe trên cao tốc đã mãn tải. Do vậy, cần phân luồng xe rơ-moóc, xe tải nặng sang quốc lộ 1", ông Thanh nói.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu phân luồng theo khung giờ, ví dụ giảm thời gian chạy ban đêm do không đảm bảo an toàn. Tại điểm vượt xe trên cao tốc, cần tính toán điều kiện tránh vượt an toàn vì khu vực này nhiều sương mù, trời mưa, thiếu ánh sáng; nên có hệ thống chiếu sáng tại một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, đơn vị quản lý cần lưu ý phân luồng trên quốc lộ 1, vì tuyến đường đi qua đô thị nên lưu lượng đông tại một số thời điểm.
Trước ý kiến trên, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, đồng tình cấm xe tải trên 6 trục vì sẽ giảm được 20% lưu lượng trên cao tốc. Xe giường nằm liên quan tính mạng nhiều người nên cũng cần hạn chế chạy ban đêm. Tuy nhiên, cả tuyến cao tốc dài 98 km nên rất khó phân luồng theo giờ.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Đường bộ Việt Nam, yêu cầu các đơn vị tư vấn rà soát số liệu và tiếp nhận ý kiến của địa phương trước ngày 28/3, sau đó sẽ quyết định triển khai phân luồng.
Nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư với hai làn xe, mặt đường tính cả lề chỉ rộng 12 m. Giai đoạn một, khoảng 85 km được thiết kế hai làn phần lớn có vạch liền màu vàng cấm vượt, cấm lấn làn. Cách khoảng 10 km lại có đoạn vượt 1-1,5 km bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Ôtô được chạy 60-80 km/h tại đoạn hai làn, tối đa 80 km/h tại đoạn bốn làn.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng. Ngày 18/2, xe Ford 7 chỗ va chạm xe container cùng chiều và gây tai nạn liên hoàn với hai ôtô khác, khiến 3 người chết. Ngày 11/3, xe giường nằm đâm phải xe tải đang dừng trên tuyến này, khiến 2 người chết.