Hiện TP HCM cách ly F1 tại các cơ sở y tế tập trung. Theo Sở Y tế thành phố, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần lớn, gây quá tải các cơ sở y tế tập trung. Một số quận huyện vùng ven như Nhà Bè, Cần Giờ đã sẵn sàng cho việc thí điểm cách ly F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên ở một số phường trung tâm như Quận 1, Quận 3, việc triển khai cách ly tại nhà gặp nhiều khó khăn hơn do đặc thù mật độ dân cư cao, nhà liền kề trong hẻm, khó đảm bảo cách ly an toàn.
Trong văn bản gửi UBND thành phố về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm nCoV (F1), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP HCM đề xuất ba giải pháp công nghệ, gồm Hệ thống VHD (Vietnam Health Declaration); Stayhome và HCMCovidSafe.
Giải pháp thứ nhất là ứng dụng VHD do Viettel cung cấp. Trước đây Bộ Y tế đã chọn ứng dụng này để triển khai thí điểm "cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh". Ưu điểm của hệ thống là chỉ sử dụng smartphone.
Giải pháp thứ hai là Stayhome do TMA Solutions cung cấp và công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cung cấp hỗ trợ hạ tầng. Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay. Vòng đeo tay có chức năng giám sát và đo thân nhiệt. Hội Tin học TP HCM đề nghị hỗ trợ 1.000 vòng đeo tay (tương đương 25.000 USD) khi áp dụng giải pháp này.
Giải pháp thứ ba là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ thông tin TP HCM) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay tích hợp sim.
Trong 3 giải pháp này, Sở TT&TT đề xuất chọn giải pháp VHD của Viettel do đây là cách làm được Bộ Y tế chọn thí điểm. Giải pháp này có ưu điểm là quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác, như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế... Hai giải pháp Stayhome và HCMCovidSafe được dùng để nâng cao hiệu quả giám sát cách ly ở từng nơi, phù hợp với tình hình thực tế.
Trên ứng dụng VHD, ngoài các tính năng khai báo sức khoẻ, người dùng còn được yêu cầu bật định vị, thông báo. Mỗi tài khoản sẽ được định danh bằng một mã QR. Cơ quan chức năng có thể quét mã này để kiểm tra các thông tin về danh tính, tình trạng sức khoẻ, lộ trình hàng ngày của người dùng. Ứng dụng còn được tích hợp thêm bản đồ cảnh báo Covid-19, danh mục nhà thuốc, các điểm đến ở gần và thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh.
Theo 3 giải pháp trên, để giám sát F1 cách ly tại nhà, cơ quan chức năng sẽ dùng dữ liệu thu thập được từ smartphone hoặc vòng tay thông minh. Thời gian thí điểm được chia 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm vào tháng 7 sẽ áp dụng tại quận 7, quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình, Đại học Quốc gia TP HCM. Giai đoạn 2 vào tháng 8 sẽ triển khai trên diện rộng ở tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức.
Mặc dù được đánh giá là giải pháp ưu việt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cách ly và theo dõi tại nhà bằng công nghệ vẫn được các địa phương triển khai một cách thận trọng.
Các chuyên gia công nghệ lo lắng việc quản lý người tự cách ly bằng ứng dụng điện thoại hoặc vòng đeo tay vẫn có lỗ hổng nếu người dùng không tự giác chấp hành, cố tình gian dối.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), biến chủng virus mới khả năng lây lan nhanh, nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, sẽ lây nhiễm cho người ở cùng và lan ra cộng đồng. Mặt khác, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác trên địa bàn, sẽ cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi. "Đặc biệt là khâu giám sát, nếu không đủ người và không làm chặt chẽ thì khi F1 không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly, nguy cơ lây nhiễm rất cao", bà Hương phân tích.
Trước TP HCM, Quảng Ninh đã thí điểm theo dõi cách ly bằng vòng tay thông minh. Theo đó, người nhập cảnh dùng smartphone sẽ được nhận sim điện thoại, cài đặt và sử dụng ứng dụng VHD, Bluezone. Những người không dùng smartphone sẽ được nhận và đeo vòng tay thông minh. Các công cụ này sẽ được triển khai ngay tại cửa khẩu. Người nhập cảnh sẽ được theo dõi trong 28 ngày sau đó.
Vòng tay thông minh áp dụng ở Quảng Ninh cũng có sẵn mã QR Code. Mã này được dùng để quét mỗi khi người dùng đến cơ sở cách ly, bao gồm cả khi cách ly tập trung hay khi cách ly tại nhà. Do không sử dụng smartphone, người dùng vòng tay sẽ được các cán bộ tại cơ sở cách ly hoặc người được phân công giám sát hỗ trợ cập nhật thông tin về sức khỏe hàng ngày, chẳng hạn thân nhiệt hoặc các dấu hiệu sức khỏe bất thường.
Trước Việt Nam, vòng tay thông minh đã được Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore... đã triển khai việc theo dõi cách ly tại nhà bằng vòng tay và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ngoài việc giảm gánh nặng cho hệ thống y tế cộng đồng, người chọn phương án cách ly, theo dõi tại nhà cũng được thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày, giảm nguy cơ lây nhiễn chéo.