Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 24/5, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho rằng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1, "nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, thay vì áp dụng theo đúng hướng dẫn đã có".
Bắc Ninh hiện ghi nhận 474 ca nhiễm; rà soát được 37.000 F1 và F2; trong đó 31.000 người cách ly y tế. Bắc Giang ghi nhận 980 ca nhiễm; truy vết được 11.453 F1.
Ông Phu dẫn chứng, trong một nhà máy, khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân đều được coi là F1, phải xét nghiệm PCR mẫu đơn, cách ly tập trung.
"Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng; F1 ít nguy cơ sẽ được xét nghiệm bằng nhiều phương pháp kết hợp như PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, mẫu gộp. F1 nguy cơ cao phải cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly nghiêm ngặt tại nhà như với F2", ông Phu đề xuất.
Bộ Y tế cần ban hành ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt áp dụng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Chia sẻ thêm về đề xuất này sau cuộc họp, ông Phu giải thích trường hợp F1 được coi là "nguy cơ cao" khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong phòng kín, có bật điều hòa, không đeo khẩu trang, khoảng cách dưới 2 m... Còn F1 "nguy cơ thấp" là những người ít có khả năng lây nhiễm hơn, khi tiếp xúc với ca dương tính có đeo khẩu trang, ở ngoài trời hoặc nơi thoáng khí, khoảng cách trên 2 m.
"Các nhà dịch tễ cần phối hợp với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để thống nhất tiêu chí phân loại F1, từ đó áp dụng biện pháp cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà phù hợp", ông Phu nói.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly F1 tại nhà để tỉnh có phương án thí điểm trong tình huống F0, F1 tăng cao.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang "là tướng chiến trường", nên nếu các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp thực tiễn thì linh hoạt, sáng tạo.
"Quy định chung trước đây F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, bây giờ trong khu công nghiệp không thể cứng nhắc như vậy. Chúng ta muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần thì phải linh hoạt hơn", Phó thủ tướng nói.
Trước đây trong các nhà máy, việc phân ca, phân kíp, tổ chức sản xuất không quan tâm nhiều đến việc công nhân ở đâu, bây giờ hoạt động trở lại, thì việc tổ chức sản xuất phải gắn với bố trí nơi ở bên ngoài cho công nhân.
"Nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý tại nơi ở, coi như một hình thức cách ly, có xe đưa đến nơi làm việc, sản xuất an toàn, thì còn hơn dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, khu công nghiệp và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung", ông Đam nói và yêu cầu Bộ Y tế điều chỉnh ngay để Bắc Ninh, Bắc Giang "làm mẫu", kết quả tốt thì nhân rộng toàn quốc.
Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó thủ tướng nêu quan điểm "phải linh hoạt, không cứng nhắc".
"Người cùng một nhà trong thôn, xã đang giãn cách xã hội, ra ngoài làm việc, chỉ cần giữ khoảng cách với thành viên hộ gia đình khác, sát khuẩn máy móc. Phong tỏa một xã mà ngoài đồng cũng vắng theo thì nông sản thu hoạch thế nào, tiêu thụ ra sao", Phó thủ tướng lưu ý.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết các ca nhiễm mới liên quan đến khu công nghiệp vẫn tăng cao, nhưng chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên). Dự kiến những ngày tới tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới trong số 4.000 công nhân đang cách ly của công ty này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm cộng đồng, do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong khu công nghiệp.
Tỉnh ước tính sẽ bố trí 310 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống và một tháng lương cho 60.000 công nhân làm việc tại 4 khu công nghiệp đang tạm thời đóng cửa.
Theo ông Dương, vướng mắc lớn nhất của địa phương hiện nay là công suất xét nghiệm đã được nâng lên 35.000 mẫu đơn mỗi ngày, nhưng còn tồn 20.000 - 30.000 mẫu chưa trả được kết quả trong ngày. Nguyên nhân bởi tỉnh vừa xét nghiệm có trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ Bắc Giang. Tỉnh đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số hai với 620 giường để chữa trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Tuy nhiên, bệnh viện thiếu nhân lực, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Công an.
Ông Dương cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện để hàng hóa từ Bắc Giang, đặc biệt là nông sản như dứa, vải... không bị ách tắc.
Tại Bắc Ninh, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế, cho biết ổ dịch tại Công ty Canon được kiểm soát, hôm nay sẽ vệ sinh nhà máy, dự kiến ngày 25 hoạt động trở lại. Đêm 23/5, Bắc Ninh phát hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng, với 17 ca ở xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành). Hiện xã này được phong tỏa; 1.300 người cùng thôn với F0 được xét nghiệm, trong đó 17 mẫu dương tính.
Bắc Ninh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có hơn 1.000 ca Covid-19, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà. Việc thí điểm này áp dụng khi có quá nhiều F1 cần cách ly.
Theo ông Đam, việc thí điểm áp dụng trước mắt ở quy mô nhỏ, với các gia đình có điều kiện về nhà cửa, đảm bảo khoảng cách với xung quanh. Người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) sẽ được cách ly tại nhà, kết hợp giám sát bằng công nghệ và hàng xóm, người dân xung quanh.