Ngày 26/5, ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ, cho biết dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập (dự thảo nghị định) do cơ quan này chủ trì xây dựng, đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, cuối tháng một hàng năm, lãnh đạo cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ xây dựng kế hoạch và hình thành danh sách các đơn vị được xác minh.
Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày ban hành kế hoạch này, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tổ chức buổi bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm) để lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên. Quá trình bốc thăm này mời đại diện ủy ban mặt trận tổ quốc, các cơ quan nội chính, kiểm tra Đảng cùng cấp... tham dự.
Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Nhưng ít nhất 2 người tại mỗi đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó phải có một cán bộ lãnh đạo (người đứng đầu hoặc cấp phó).
Giải thích đề xuất trên, ông Đinh Văn Minh nói pháp luật hiện hành đã quy định rõ những người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập; việc xác minh ở đây được hiểu là quá trình xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Theo quy định, việc xác minh tài sản, thu nhập hàng năm được tiến hành trong nhiều trường hợp khác nhau, như: Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên, mà người kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai không trung thực; từ yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...
"Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đề xuất thêm hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để tạo sự công bằng với mọi cán bộ, công chức, cũng để họ ý thức rằng mình có thể bị xác minh bất cứ lúc nào. Cách thức bốc thăm bằng tay như quay xổ số hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên", ông Minh nói.
Việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm sẽ đảm bảo từ 10-20% cán bộ, công chức được xác minh tài sản thu nhập. Tiến tới trong 5 đến 10 năm, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ xác minh 100% số cán bộ, công chức trong diện phải kê khai trên toàn quốc.
Cho ý kiến về dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp đề nghị Thanh tra Chính phủ cân nhắc, bỏ quy định mời đại diện ủy ban mặt trận tổ quốc, các cơ quan nội chính, kiểm tra Đảng cùng cấp... tham dự quá trình bốc thăm.
Theo Bộ Tư pháp, việc lựa chọn ngẫu nhiên trong phạm vi quản lý của mình hoàn toàn thuộc quyền của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, và cần đảm bảo nguyên tắc bí mật trong quá trình này.
Bộ Tài chính thì đề nghị "cân nhắc việc bốc thăm xác minh" và đưa ra tiêu chí cụ thể để lựa chọn xác minh.
Trước các ý kiến trên, ông Đinh Văn Minh nói Ban soạn thảo đã tiếp thu và vẫn giữ quan điểm cần thiết quy định về xác minh ngẫu nhiên để trình Chính phủ. "Các ý kiến được tổng hợp và phân tích rồi đưa ra các phương án khác nhau, Chính phủ sẽ lựa chọn phương án cuối cùng, tốt nhất", ông Minh nói.
Luật Phòng chống tham nhũng quy định Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên.
Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.
Các bộ ngành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý.