Thanh tra Chính phủ đang công bố dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để lấy ý kiến góp ý. VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), về nội dung dự thảo này.
- Vì sao Thanh tra Chính phủ xây dựng nghị định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập lúc này, thưa ông?
- Việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy trên thế giới đã làm việc này và rất hiệu quả. Tại Việt Nam, từ năm 1998 đã thực hiện biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để phòng chống tham nhũng. Từ đó đến nay chế định này được thực thi thường xuyên.
Tuy nhiên qua quá trình tổng kết, đánh giá thì kê khai của người có chức vụ, quyền hạn còn mang nặng tính hình thức. Số lượng kê khai thì đông đảo, từ năm 1996 đã có hơn một triệu bản kê khai, đa số đúng mẫu mã, đúng thời hạn, vào sổ sách đầy đủ... Nhưng kết cục hiệu quả của công việc này đối với việc phát hiện ra các dấu hiệu bất thường, sự thiếu trung thực của người kê khai để từ đó xử lý là rất hạn chế.
Để biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tác dụng cao và thực tế hơn thì phải xây dựng quy định khả thi hơn. Luật phòng chống tham nhũng 2018 đã có nhiều quy định mới và dự thảo nghị định này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật.
- Dự thảo nghị định này khắc phục hạn chế của quy định trước đây như thế nào?
- Trước đây pháp luật chỉ quy định những trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, gồm một số cán bộ cấp xã và cán bộ từ phó phòng của UBND cấp huyện trở lên. Nay sửa đổi theo hướng phân biệt hai nhóm kê khai lần đầu và kê khai hàng năm.
Tất cả cán bộ, công chức (gồm những người mới được tuyển dụng), sỹ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây là nhóm kê khai lần đầu. Diện phải kê khai hàng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.
Dự thảo nghị định nêu rõ 13 ngạch công chức như điều tra viên, thẩm phán, thanh tra viên, kiểm tra viên ngành thuế, hải quan...; gần 90 vị trí lãnh đạo từ phó phòng trở lên trong một số lĩnh vực phải kê khai hàng năm.
Như vậy tuy lần này diện kê khai tài sản, thu nhập rộng hơn, gồm tất cả cán bộ, công chức, tuy nhiên đó chỉ là bản kê khai lần đầu để lưu hồ sơ, cần thiết đối chiếu sau này; còn thực tế những người phải kê khai hàng năm đã được thu hẹp, có trọng tâm hơn và qua đó sẽ được kiểm soát tập trung hơn.
- Dự thảo nghị định bổ sung nhiều loại tài sản phải kê khai so với nghị định cũ, trong đó có cả đồ thờ cúng, đồ treo tường, đồ gỗ mỹ nghệ, tranh ảnh, tiền điện tử giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Đâu là cơ sở để Thanh tra Chính phủ đưa ra đề xuất này?
- Về cơ bản các loại tài sản, thu nhập phải kê khai gồm nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Pháp luật là phải phản ánh cuộc sống hiện thực. Việc kê khai tài sản cũng thế, các loại tài sản kể trên trước kia có thể chưa có giá trị nhưng theo thời gian nó lại có giá trị cao nên cần phải kê khai để đảm bảo khách quan phù hợp với thực tiễn.
Trường hợp cán bộ, công chức không kê khai các loại tài sản trên theo quy định, có thể bị cảnh cáo hoặc miễn nhiệm, giáng chức. Với công chức, viên chức thậm chí có thể bị buộc thôi việc.
- Trường hợp người dân, báo chí phản ánh quan chức nào đó có khối tài sản lớn bất thường, ví dụ biệt phủ rộng lớn. Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc như thế nào?
- Thanh tra Chính phủ được quyền lập tổ công tác đi xác minh. Quy định trước đây yêu cầu nhiều điều kiện mới được đề nghị xác minh, nhưng nay chỉ cần thấy dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực là có thể tiến hành xác minh ngay.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động quyết định việc xác minh mà không nhất thiết phải đề nghị, yêu cầu hay được sự đồng ý của cơ quan nào khác.
Thậm chí Luật còn quy định cả việc xác minh một cách ngẫu nhiên mà không cần bất kỳ điều kiện nào, để tạo ra sự công bằng cũng như đề cao tính tự giác, trung thực của người kê khai. Trước mắt các đơn vị liên quan cố gắng xác minh ngẫu nhiên 5-10% tổng số lượng kê khai và tăng dần, để làm sao ngày càng có nhiều bản kê khai được xác minh.
- Thanh tra Chính phủ được lập tổ công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập với lãnh đạo cấp nào nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm?
- Theo quy định người có phụ cấp 0.9 trở lên (giám đốc sở và tương đương) phải nộp bản kê khai về Thanh tra Chính phủ để theo dõi, giám sát. Với lãnh đạo cấp cao diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý thì thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Dự thảo nghị định cũng nêu Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng để thực hiện việc này
Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để trình Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách có hiệu quả.
- Theo dự thảo nghị định, bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ được công khai như thế nào?
- Trước đây các bản kê khai được quy định công bố qua hai hình thức là niêm yết tại cơ quan và thông qua các cuộc họp, nhưng thực tế cho thấy việc công khai qua các cuộc họp mang nặng tính hình thức. Lần này Thanh tra Chính phủ đề xuất chỉ còn một hình thức là công khai ở trụ sở trong vòng 30 ngày, niêm yết tại các vị trí thuận tiện để cán bộ, công chức, người lao động tiện theo dõi, quan sát.
Khi công khai phải lập biên bản, ghi ngày tháng và lưu trữ để các cơ quan thanh tra đối chiếu, xử lý sau này.
Trường hợp các cơ quan không công khai sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức việc kê khai, công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định thì sẽ bị kỷ luật.
Cần nói thêm rằng, chúng ta phải cân đối việc công khai bản kê tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức với việc đảm bảo lợi ích của người kê khai; tránh bị kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại đến uy tín, danh dự và an toàn cho người kê khai.
Theo nghị quyết của Đảng về lâu dài bản kê khai có thể được công khai ở địa phương, nơi cư trú của người kê khai. Nhưng trước mắt để phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng quản lý thì chỉ công khai tại nơi làm việc.
- Dự thảo nghị định này dự kiến bao giờ ban hành?
- Chính phủ sẽ xem xét, quyết định trong năm nay. Về nguyên tắc, các bản kê khai theo Luật phòng chống tham nhũng 2018 và nghị định mới được coi là bản kê khai lần đầu, làm cơ sở để đánh giá và xử lý nếu có vi phạm. Nghĩa là sau khi dự thảo nghị định này được Chính phủ thông qua, tất cả cán bộ, công chức, sỹ quan... sẽ tiến hành kê khai lần đầu.
Các bản kê khai trước đây có thể được tham khảo khi cần thiết xác minh dấu hiệu vi phạm trong trường hợp cụ thể.