Cảng hàng không Yên Bái được đề xuất là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp 2, có công suất dự kiến 0,8-1 triệu hành khách mỗi năm; hình thức đầu tư đối tác công tư.
Hiện nay, sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý. Tổng diện tích sân bay gần 279,5 ha, đường cất, hạ cánh 2.400 m, thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng.
Theo đường bộ, khoảng cách từ sân bay quân sự Yên Bái đến sân bay Sa Pa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) khoảng 95km.
Gần một tháng trước, trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của tỉnh, Cục hàng không Việt Nam đánh giá, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Trong tương lai, khi sân bay Sa Pa hoạt động, cần nghiên cứu công tác phối hợp điều hành giữa hai sân bay.
Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đầu mối các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lên cửa khẩu Lào Cai.
Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa phong phú, hấp dẫn thì phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không là cần thiết.
Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng bao gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Sau đó gần 10 địa phương đề xuất quy hoạch thêm sân bay như Hà Giang, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận, Biên Hòa, Tây Ninh...