Thảo luận tổ tại Quốc hội về kinh tế xã hội sáng 26/10, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM bày tỏ trăn trở: "Việt Nam đang nỗ lực nâng cao tỷ suất sinh, nhưng đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật".
Bà dẫn chứng có trường hợp đảng viên sinh con thứ ba, bác sĩ kết luận dù dùng biện pháp tránh thai những vẫn gặp "tai nạn". Sau đó, các bác sĩ phải làm việc với cơ quan chức năng để xác nhận xem việc cấp giấy chứng nhận mang thai ngoài ý muốn như vậy có đúng hay không.
"Cán bộ đảng viên sắp đến kỳ bổ nhiệm mà sinh con thứ ba là coi như xong rồi. Nhất là gần đại hội đảng bộ cơ sở, có người không có khuyết điểm gì nhưng bị đơn thư là sinh con thứ ba", bà Lan nêu thực trạng.
Vì vậy, nữ đại biểu đoàn TP HCM đề nghị cơ quan chức năng sớm sửa đổi các quy định này, bởi "đây đều là những việc trong tầm tay".
"Chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm về sinh con", bà Lan nói.
Đồng tình với quan điểm của bà Lan, GS Nguyễn Thiện Nhân nói từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, để phù hợp với tình hình mới. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những gia đình nào cảm thấy không nuôi được con, tự họ đã sinh ít con. Chỉ gia đình nào đủ điều kiện nuôi con tốt, mới sinh nhiều con.
Trong khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, cấp có thẩm quyền cần sớm sửa quy định, để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên không dám sinh con thứ ba. Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba còn nhằm truyền thông đến người dân về chính sách dân số trong tình hình mới.
Ông Nhân bày tỏ lo lắng khi năm 2023 mức sinh của Việt Nam là 1,96, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ. Cách đây 7 năm, Trung ương yêu cầu giữ vững tổng tỷ suất sinh thay thế, nhưng hiện tại đã không giữ được.
Vì thế, ông "tha thiết đề nghị" Chính phủ bổ sung chỉ số tổng tỷ suất sinh thay thế vào báo cáo kinh tế xã hội để có biện pháp nâng mức sinh. "Đây là chỉ tiêu hệ trọng quốc gia, liên quan đến phát triển con người, bền vững của đất nước", ông Nhân giải thích.
Đồng thời, ông Nhân mong Chính phủ sớm công bố mức sống tối thiểu và tiền lương đủ sống tối thiểu cho gia đình bốn người. "Lương đủ sống tối thiểu là một người đi làm nuôi được người phụ thuộc và nuôi được con. Khi đó chúng ta mới nâng được tỷ suất sinh, mỗi gia đình có hai con. Nếu không công bố mức lương đủ sống tối thiểu và không nâng mức này thì chúng ta không có cách nào nâng cao tỷ suất sinh được", GS Nhân góp ý.
Chính phủ cũng cần xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam, có tham khảo thế giới, để làm sao xây dựng cuộc sống của người Việt Nam hạnh phúc. Các địa phương căn cứ vào bộ chỉ số hạnh phúc quốc gia để có chính sách phát triển phù hợp.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank, đồng tình mức sinh suy giảm là vấn đề dài hạn của Việt Nam. Tỷ lệ ở thành thị là đáng lo ngại nhất khi các gia đình không đủ điều kiện về kinh tế, nhà ở, thu nhập, học tập nên không dám sinh con.
Ông Ấn cảnh báo những hệ lụy do dân số già hóa của xã hội Nhật Bản là bài học nhãn tiền cho Việt Nam. "Có nhà máy sản xuất tã cho trẻ em giờ đây chuyển sang làm tã cho người lớn", ông Ấn nói. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết toàn diện vấn đề này.
Theo Pháp lệnh dân số năm 2003, sửa đổi năm 2008, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương năm 2017 về chính sách dân số trong tình hình mới, nêu quan điểm đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách về dân số, nhất là sinh đủ hai con. Đảng viên sinh con thứ ba được xem là vi phạm chính sách dân số, có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể.
Viết Tuân - Sơn Hà