Tại Tờ trình tiếp thu, giải trình ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữa tháng 9, Chính phủ đề xuất nhiều biện pháp xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Chế tài đưa ra trong bối cảnh nợ bảo hiểm hàng năm tăng dần, diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng tới cuối năm 2022.
Làm rõ hành vi chậm, trốn đóng BHXH
Dự thảo mới nhất quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng kế tiếp nếu doanh nghiệp chọn đóng theo tháng, đồng thời tách riêng và làm rõ các hành vi chậm đóng, trốn đóng.
Cụ thể, chậm đóng áp dụng trong hai trường hợp. Một là chủ doanh nghiệp đã đăng ký cho lao động tham gia BHXH bắt buộc mà sau ngày cuối cùng của tháng tiếp theo (nếu đóng theo tháng) vẫn chưa đóng hoặc đóng chưa đủ tiền.
Hai là nộp trong vòng 90 ngày sau thời hạn quy định. Theo dự luật, thời hạn quy định là trong 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, chủ doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tham gia BHXH cho lao động.
Ba hành vi trốn đóng BHXH gồm: Chủ sử dụng chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định; đăng ký và đóng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bắt buộc; chủ doanh nghiệp đã đăng ký đóng BHXH cho lao động, có khả năng nhưng không đóng.
Riêng trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế... khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Ban soạn thảo đề xuất tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong 12 tháng và không phải nộp tiền lãi khi đóng bù.
Giao cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện
Dự thảo bổ sung quy định giao cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH sau khi đã xử lý hành chính mà vẫn vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố.
Luật hiện hành trao quyền cho công đoàn khởi kiện ra Tòa án nhưng phải được người lao động ủy quyền. Sự chồng chéo trong các luật khiến hầu như chưa có vụ nào bị xử lý về tội danh trốn đóng, dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố gần 400 vụ. Một nửa trong số này cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nhiều chế tài xử lý cũng được đề xuất áp dụng với chủ sử dụng chậm, trốn đóng BHXH. Cụ thể cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn chây ì không đóng hoặc đóng không đủ tiền. Với đơn vị nợ BHXH từ 12 tháng trở lên thì người đại diện pháp luật, người được ủy quyền sẽ bị hoãn xuất cảnh.
Thường vụ Quốc hội quyết định người đóng BHXH bắt buộc từng thời kỳ
Trong dự thảo hồi tháng 7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tùy thời kỳ đưa dần lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đề xuất trong bối cảnh mới đưa được hơn 17,4 triệu người (hơn 38% lực lượng lao động) vào lưới an sinh, trong khi mục tiêu đến năm 2030 phải đạt 60%.
Tại dự luật mới nhất, Ban soạn thảo đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lao động thuộc diện tham gia bắt buộc, tùy thời kỳ. Quy định này xuất phát từ thực tế các mô hình kinh tế tự do, thương mại điện tử, sẻ chia... phát triển mạnh tạo ra các nhóm lao động mới. Các nhóm này sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và để đảm bảo an sinh cần sớm đưa vào diện đóng BHXH bắt buộc.
Song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng đây là vấn đề mới, quan trọng, liên quan đến quyền an sinh. Việc giao Ủy ban Thường Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ nhằm bảo đảm thẩm quyền cũng như tính khả thi của quy định.
Rút đề xuất miễn phí thẻ BHYT nếu không nhận bảo hiểm một lần
Trong tờ trình hồi tháng 7, Ban soạn thảo đề xuất người sau một năm nghỉ việc mà chọn bảo lưu thời gian đóng, không rút một lần thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH. Đây là chính sách bổ sung nhằm khuyến khích lao động không rút BHXH một lần.
Sau quá trình lấy ý kiến, Ban soạn thảo rút đề xuất này trong dự thảo mới nhất. Thay vào đó, Chính phủ nghiên cứu hoặc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp hỗ trợ lao động trong thời gian bị mất việc trong quá trình sửa Luật Việc làm, nhất là chế độ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Gần 30 năm thực hiện, chính sách BHXH đến nay mới bao phủ trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu