"Ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Phổi Trung ương khoảng 1,3 tỷ đồng, ca thứ 2 là 1,1 tỷ đồng. Đây là số tiền vượt quá khả năng chi trả của người bệnh, nên chúng tôi phải hỗ trợ gần 1 tỷ đồng", Giám đốc Đinh Văn Lượng nói tại Hội thảo xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng, ngày 13/6.
Tương tự, với ghép gan, PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tổng chi phí một ca ghép gan khoảng 1 tỷ đồng, nhưng BHYT chỉ trả khoảng 200 triệu đồng với bệnh nhân được hưởng 100%; 163 triệu đồng với người không được hưởng 100%. Như vậy, mức chi trả cho bệnh nhân ghép gan hiện nay rất thấp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, nói ngoài chi phí thực hiện kỹ thuật ghép tạng, các cơ sở y tế phải trả cho hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng. Những chi phí này chưa được xây dựng thống nhất, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán, đặc biệt là đối với cơ sở có ca hiến tạng.
Như tại Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thực hiện tư vấn, hồi sức, chẩn đoán chết não,... nhưng mô, tạng được chuyển đến phục vụ các bệnh viện khác ghép. Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim.
"Để chuyên ngành ghép tạng phát triển, bền vững hơn cần thiết thành lập tổ tư vấn tại các bệnh viện có nguồn chết não tiềm năng hiến cũng như cần xây dựng chi phí cho các hoạt động tư vấn, điều phối", ông Hệ cho hay.
Từ những lý do trên, các chuyên gia đề xuất BHYT cần chi trả nhiều hơn cho hoạt động ghép mô tạng từ Quỹ BHYT và các nguồn xã hội hóa. Đơn cử, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Bệnh viện Trung ương Huế, yêu cầu xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng cho tất cả cơ sở y tế cả nước. Mặt khác, thành lập quỹ hỗ trợ nhân đạo giúp đỡ người bệnh, người hiến và giảm áp lực cho cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép.
Ông cũng cho rằng cần có quy định tôn vinh người đã hiến mô, tạng khi còn sống, cấp BHYT suốt đời và thẻ này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế phù hợp; được thanh toán ở hạn mức cao nhất kèm các chế độ ưu đãi đặc thù khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất xây dựng cơ chế thanh toán chi phí điều trị và hồi sức cho người hiến tạng chết não, chi phí đánh giá chức năng tạng, phẫu thuật lấy tạng, vận chuyển tạng (tàu xe, máy bay, bác sĩ, kỹ thuật viên...); xây dựng nguồn quỹ, cơ chế thanh toán liên quan đến người hiến chết não như: chi phí tổ chức tang lễ, mai táng...
Bố mẹ, vợ (chồng), con của người hiến tạng sau khi chết được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời và được thanh toán 100%; được ưu tiên nhận tạng trong trường hợp không may mắc bệnh cần ghép; nguồn quỹ hỗ trợ nuôi con người hiến tạng sau khi chết đến đủ 18 tuổi.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Lê Nga