Sáng 19/5, Thủ tướng dự và phát động Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp các đơn vị thực hiện nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến mô, tạng cứu người. Dịp này, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cũng trao Thủ tướng Phạm Minh Chính thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng.
"Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác", Thủ tướng nói, nhấn mạnh ở Việt Nam đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Việt Nam đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng Thủ tướng cho rằng đến nay trình độ ghép tạng của nước ta ngang bằng nhiều nước. Tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam thậm chí cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Từ ca ghép tạng thành công đầu tiên cách đây 30 năm, Việt Nam nay đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua. Trong hai năm gần đây, các bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép tạng/năm.
Hiện, Việt Nam có hàng nghìn người hiến mô, tạng và khoảng hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. "Đây là minh chứng sống động cho sự nhận thức, tình thương và lòng nhân ái ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người", Thủ tướng nói, cảm ơn và tri ân hành động cao đẹp của những người, những gia đình đã và sẽ hiến tạng.
Thủ tướng biểu dương các thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ y tế trong lĩnh vực ghép tạng, vận động hiến mô, tạng. Song, Thủ tướng nhìn nhận số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hơn 94% tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người hiến. Người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp. Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến tạng từ nguồn hiến sống chỉ 10-50%. Tỷ lệ này ở một số nước có nền văn hóa tương đồng Việt Nam như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc là 20-60%, thấp hơn nhiều so với nước ta.
Cơ chế, chính sách ghép tạng còn những hạn chế, bất cập. Đội ngũ y tế trong lĩnh vực ghép tạng chưa nhiều. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền về hiến tạng, ghép tạng chưa được sâu rộng, đầy đủ.
Vì vậy, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền, tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người. Thủ tướng cũng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. "Có thể lấy ngày 19/5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày hiến tặng mô, tạng Việt Nam", ông đề nghị.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó ghép thận 7.914 ca; ghép gan 593 ca; ghép tim 82 ca; ghép phổi 10 ca; ghép tụy 1 ca; còn lại 8 ca ghép ruột, ghép đa tạng khác.
Trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Lê Nga