Thông tin được bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo tham vấn ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chiều 16/4.
Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT cần phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Trong dự án sửa đổi luật lần này, Bộ Y tế đề xuất các chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng,... thuộc phạm vi được hưởng BHYT.
"Các chế phẩm này không phải là thuốc nhưng dùng để điều trị bệnh, đã được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới, các hội y khoa thế giới", bà Trang nói, thêm rằng ước tính giá thành một lít sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn sử dụng là 1,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm quỹ BHYT chỉ cần thanh toán 30,8 tỷ đồng, tương đương 0,46% quỹ. Đây là số tiền nhỏ, không ảnh hưởng đến quỹ.
Trên thế giới ước tính cứ 10 trẻ thì có một trẻ sinh non. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,4 triệu trẻ chào đời sống mỗi năm, trong đó 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời là can thiệp hiệu quả nhất trong phòng ngừa tử vong và bệnh tật trẻ em. Song, vẫn còn nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân không được tiếp cận sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời do phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày. Nhiều bà mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Các chuyên gia đánh giá BHYT trả chi phí sữa mẹ thanh trùng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được vận hành tối đa công suất. Mọi trẻ sinh non, mắc bệnh lý, chưa có sữa mẹ đẻ sẽ được tiếp cận sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, góp phần giảm chi phí gánh nặng bệnh tật với trẻ và quỹ BHYT.
Ước tính của Viện Chiến lược Chính sách Y tế, nếu toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định, mỗi năm quỹ BHYT sẽ tiết kiệm 76,7 tỷ đồng hàng năm. Điều này có được nhờ giảm chi phí điều trị các bệnh lý như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt, giảm thời gian điều trị nội trú, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả BHYT cho việc sàng lọc sớm 6 bệnh, theo thứ tự ưu tiên gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.
"Ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú, bởi đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gánh nặng bệnh tật lớn", bà Trang nói, thêm rằng chi trả BHYT đối với sàng lọc hai bệnh lý này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị sớm.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn sớm, ung thư có thể điều trị hiệu quả hơn bằng các biện pháp can thiệp chi phí ít. Khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém trong điều trị, chất lượng sống thấp.
Lê Nga