Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 3 TP HCM, đề xuất dùng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.
Vành đai ba TP HCM dự kiến dài 76 km (đoạn qua TP HCM 47,5 km; Đồng Nai 11 km; Bình Dương 10,7 km; Long An 6,8 km), quy mô 4 làn xe, tốc độ 80 km/h; bề rộng mặt cắt ngang 19,75 m. Các đoạn qua khu đô thị, dân cư sẽ có đường song hành, mỗi bên 2-3 làn xe. Tiến độ thực hiện dự án 2022-2027.
Chính phủ cho rằng, kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới cho thấy đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu, tạo động lực, phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 16 năm từ thời điểm xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (2004), Việt Nam mới có 1.163 km cao tốc, chưa hoàn thành mục tiêu năm 2020 có 2.000 km cao tốc. Tuyến vành đai vùng TP HCM chưa được đầu tư.
Với vai trò là đường vành đai liên vùng, việc đầu tư, khai thác vành đai 3 TP HCM làm tăng khả năng kết nối các tuyến đường bộ hướng tâm; giữa các địa phương của vùng TP HCM; góp phần mở rộng không gian và động lực phát triển. Tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ kết nối thế trận khu vực phòng thủ các địa phương lân cận và TP HCM.
Hiện nay các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến quốc lộ hướng tâm đều qua tải, nhất là vào giờ cao điểm. Thời gian tới khi sân bay Long Thành khai thác, Tân Sơn Nhất được nâng công suất, cùng với gia tăng dân số ở TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạ tầng giao thông khu vực sẽ càng quá tải.
"Do đó việc đầu tư hoàn thành tuyến vành đai sẽ góp phần giảm áp lực với khu vực nội đô, hạn chế ách tắc giao thông, giảm khí thải ô nhiễm", tờ trình của Chính phủ nêu.
Việc xây dựng tuyến vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành năm 2023 được đánh giá là giải pháp hữu hiệu phân luồng giao thông liên tỉnh qua TP HCM.