Các phương án vừa được Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành nghiên cứu. Đường bộ dài từ 43 đến 62 km, ưu tiên tuyến xe buýt kết nối trực tiếp và các loại hình khác như taxi, xe cá nhân. Đường sắt dài từ 42 đến 45 km, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Lộ trình đầu tư các tuyến đường được chia thành 4 giai đoạn, từ năm 2025 đến năm 2050.
Phương án đường bộ đầu tiên kết nối qua đường Phạm Văn Đồng và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với 3 hướng: Qua vành đai 2 dài 48 km hoặc qua cầu Cát Lái dài 57 km; qua quốc lộ 1 dài 53 km; qua quốc lộ 1K dài 62 km.
Phương án 2 kết nối đường bộ từ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi theo các tuyến đường đô thị với 3 hướng kết nối. Một là qua hầm Thủ Thiêm dài 43 km; qua đường Nguyễn Thị Định, cầu Cát Lái dài 51 km; qua đường Nguyễn Hữu Thọ và cầu Phú Mỹ 2 dài 50 km.
Việc kết nối hai sân bay bằng đường bộ sẽ ưu tiên bố trí tuyến buýt trực tiếp, các tuyến xe buýt có điểm đầu, điểm cuối tại hai cảng, không dừng trên đường để đảm bảo thời gian di chuyển nhanh nhất. Hành khách từ TP HCM đến hai cảng hàng không quốc tế và ngược lại có thể lựa chọn xe buýt của thành phố và các loại hình khác như taxi, xe cá nhân...
Trong ba phương án đường sắt, thì phương án 3 là kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 45 km. Phương án 4 là kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 43 km. Phương án 5 kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 4 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 42 km.
Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải đề xuất việc kết nối giữa hai sân bay bằng đường sắt cần tổ chức chạy tàu bảo đảm thuận tiện cho hành khách không phải chuyển tuyến và rút ngắn thời gian. Điều kiện kỹ thuật của các tuyến đường sắt phải được thiết kế và khai thác bảo đảm kết nối cho các đoàn tàu khác dùng chung hạ tầng.
Đơn vị nghiên cứu kiến nghị triển khai theo 4 giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, cao tốc TP HCM - Long Thành cần được mở rộng từ 4 làn lên 10 làn xe; hoàn thiện tuyến tỉnh lộ 25C quy mô 8 làn xe; xây vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch 4 làn xe; đường tỉnh 25B đến cao tốc Bến Lức - Long Thành 4 làn xe; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 4-6 làn xe; tuyến đường tỉnh 770B dài 42,6 km 8 làn xe; đường 769 dài 29,8 km 8 làn xe.
Đến năm 2030, sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng giai đoạn 2 với công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn này cao tốc Bến Lức - Long Thành mở rộng lên 8 làn xe; xây vành đai 4 quy mô 8 làn xe; cầu Cát Lái và đường dẫn đầu cầu kéo dài tới đường tỉnh 25C quy mô 8 làn xe; tuyến Liên vùng 04 (nút giao Gò Công - Quốc lộ 20) 4 làn xe; tuyến Liên vùng 03 quy mô 2 làn xe; xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị số 2, 4 và 6.
Đến năm 2040, công suất của cảng Long Thành đạt 75 triệu khách/năm. Giai đoạn này sẽ đầu tư đường sắt tốc độ cao TP HCM - Nha Trang; các tuyến đường khác như Bắc Nam phía Tây, tuyến đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng; tuyến đi ngầm từ nút giao Cộng Hòa - đường Trường Chinh - Hàm Nghi (hoặc Võ Văn Kiệt) qua hầm Thủ Thiêm đến đường Mai Chí Thọ.
Giai đoạn đến năm 2050 khi công suất cảng Long Thành đạt 100 triệu khách/năm, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng 10-12 làn xe; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thành 6-8 làn xe.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất rộng 545 ha với 2 nhà ga hành khách. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang đầu tư xây dựng nhà ga T3, dự kiến quý III năm nay đưa vào khai thác.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai giai đoạn 1 với công suất đến năm 2030 đạt 25 triệu hành khách/năm. Hiện trên công trường dự án có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hơn 2.000 máy móc thi công. Các gói thầu được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa sân bay vào khai thác cuối năm 2025.