Nội dung do Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP đề nghị tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, ngày 2/1.
Theo đề xuất của doanh nghiệp, trạm bơm nước thô vùng tây nam sông Hậu sẽ đặt tại thượng nguồn sông Hậu, đồng thời hình thành hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng tỉnh, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện có và tương lai địa bàn Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.
Doanh nghiệp sẽ đầu tư trạm bơm và các tuyến ống truyền tải chính đến khu vực trung tâm mỗi tỉnh. Các tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư tuyến ống kết nối tiếp theo đến các nhà máy nước trên địa bàn.
Giai đoạn đầu của dự án, nguồn nước thô được khai thác trên sông Cần Thơ đoạn gần ngã 3 nối kênh xáng Xà No về phía thượng nguồn. Các giai đoạn tiếp theo, tùy tình hình diễn biến xâm nhập mặn, điểm thu nước sẽ được dịch chuyển dần lên thượng nguồn sông Hậu tại các khu vực Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4.800 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp đầu tư trực tiếp 3.300 tỷ đồng, phần hệ thống kết nối do ngân sách các tỉnh tự đầu tư là 1.500 tỷ đồng (Sóc Trăng 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 200 tỷ đồng, Cà Mau 800 tỷ đồng).
Công suất giai đoạn này của dự án là 300.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho 3 tỉnh đến năm 2037. Công suất giai đoạn 2 của dự án là 600.000 m3/ngày đêm và dự phòng mở rộng đến 100.000 m3/ngày đêm.
Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành trong quý 1/2028. Giá bán nước thô năm đầu tiên là 3.500 đồng mỗi m3; lộ trình tăng giá 5 năm tiếp theo là 10% mỗi năm cho đến khi giá bán nước thô đạt 5.637 đồng mỗi m3; bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi giá bán nước thô được điều chỉnh 7% mỗi 2 năm.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP phù hợp, cần thiết đối trong giai đoạn thiếu nước sạch như hiện nay. Với đề xuất trên, Sở Xây dựng tỉnh làm đầu mối xem xét dự án, phối hợp với các tỉnh để có phương án, lộ trình cụ thể.
Các tỉnh miền Tây thường xảy ra hạn mặn, thiếu nước vào tháng 3, 4 hàng năm, ảnh hưởng người dân và sản xuất nông nghiệp. Điển hình như đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp.
Cà Mau từng đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về địa phương thông qua hệ thống thủy lợi, để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô. Có lãnh đạo tỉnh kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây trong mùa hạn mặn.
Chúc Ly