Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM nhận xét, chia tay là thời điểm bạo hành trong tình yêu bùng nổ rõ nhất, bởi lúc đó người ta dễ bị những cảm xúc tiêu cực chế ngự, khiến họ chao đảo, nhìn cuộc đời màu xám và khó kiểm soát hành vi. Hành vi bạo hành có thể tác động đến thể xác như đánh đập, chém giết, nhưng cũng có thể tác động đến tinh thần như khóc lóc, níu kéo, dọa tự tử… khiến người kia mủi lòng.
Theo chuyên gia tâm lý, để mình không trở thành thủ phạm của sự bạo hành thì bạn cần phải biết vượt qua nỗi đau chia tay. Muốn người cũ không bạo hành mình được, bạn cũng phải vượt qua điều này bằng cách làm chủ tốt cuộc đời mình và yêu thương bản thân.
Người thất tình thường nghĩ “Mối tình tan vỡ biết làm sao", rồi "Làm sao để vượt qua thời kỳ này?", "Làm sao sống tiếp, làm sao dám tin vào tình yêu...". Hàng loạt câu bạn đặt ra để tự chặn đứng con đường của mình. Trên thực tế, tình yêu tan vỡ không có gì là ghê gớm dù nỗi đau có thật.
Chuyên gia tâm lý khuyên, để vượt qua nỗi đau chia tay, trước hết bạn đừng cố tìm kiếm kỷ niệm, mà hãy thay đổi những thói quen từng liên quan tới người đó và bù đắp lại bằng những hoạt động khác. Chúng ta hay nhung nhớ những buổi đi dạo, những cuộc hẹn hò vào cuối tuần, những tin nhắn vào mỗi sáng... Tốt nhất, bạn hãy khỏa lấp bằng những điều mà vì bận bịu với việc yêu trong một thời gian dài nên không kịp làm. Hãy đi chợ nấu ăn, hãy quan tâm đến người thân trong gia đình, hãy đăng ký học một lớp năng khiếu mà mình thấy thích...
Việc dùng các hoạt động khác để khỏa lấp nỗi buồn không chỉ giúp bạn mau vượt qua nỗi đau chia tay, mà sẽ thấy nhiều điều tích cực từ các mối quan hệ khác của mình nhờ chủ động cho đi yêu thương. Bạn sẽ thấy mình năng động với những điều cá nhân có thể làm được và đây cũng là cơ hội để bạn phát triển bản thân, phát triển thêm các mối quan hệ xã hội, sẽ có ích cho công việc của bạn, cho việc tìm kiếm, xây dựng một mối quan hệ mới sau này. Đi qua một cuộc tình, chúng ta sẽ trưởng thành hơn nếu biết trân quý những điều đã qua và có cách nhìn khách quan, bình tĩnh.
Thạc sĩ Nhi A nhận xét, vết thương về mặt tâm lý cũng như vết thương về mặt thể chất. Nếu bị đứt tay, bạn cứ ngồi khơi khơi vết đứt thì nó không thể lên da non, thậm chí còn có nguy cơ bị nhiễm trùng. Tan vỡ mối quan hệ mà ta cứ nghiền ngẫm đau khổ, không để nó trở về vùng ký ức thì không bao giờ nó có thể ngủ yên. Phải để vết thương ngủ yên bằng cách tập một loạt hoạt động mới.
Trên thực tế, người ta hay tìm kiếm, níu kéo, nếu không được thì đánh đổ, đập vỡ. Cũng như khi giận ai, nếu được đánh người đó, ta cảm thấy rất đã, nhưng tiếc rằng sau đó thì ta sẽ bị đánh lại, hoặc ít ra cũng bị đau tay. Chưa kể, trong tất cả cuộc giao tranh, người đánh trước bao giờ cũng là người có lỗi trước, dù lý do là gì. Nếu bạn đánh thắng, chuyện gì xảy ra? Liệu người kia có quay lại không? Nếu có quay về thì cuộc tình tiếp theo đầy nước mắt.
Ngược lại, trong trường hợp khác, khi bạn hiểu rất rõ mình cần làm gì để quên đi nỗi đau, nhưng “đối tác cũ” không nhận ra điều đó và bạn trở thành người bị làm phiền. Khi đó, bạn phải biết tự bảo vệ mình. Bạn cần có một quyết tâm nhất định để đừng vương vấn. Sự rõ ràng, cương quyết đều có giá trị tích cực cho các mối quan hệ, bao gồm cả tình yêu.
Chuyên gia khuyên, bạn nên hạn chế tối đa những yêu cầu hẹn hò sau khi chia tay, vì sự gặp gỡ khó làm bạn quên đi chuyện cũ và đối phương thì có thêm cơ hội để níu kéo. Bạn đừng bao biện không gặp thì mất công, chính gặp mặt mới khiến bạn mất công hơn. Bạn phải bình tĩnh trước các đề nghị hoặc yêu sách của đối phương, đáp trả bằng giải pháp mang tính an toàn lâu dài, mọi sự nhân nhượng chỉ càng làm cho điều tồi tệ bị dồn nén và đến khi bùng nổ thì sẽ khó khắc phục hậu quả. Trong trường hợp họ thái quá hơn, bạn có thể thay hẳn số điện thoại.
Đặc biệt nếu người cũ khi yêu luôn muốn bạn là của riêng, chỉ quan tâm đến bản thân họ, muốn tình yêu của họ phải được đáp lại, nhầm tưởng sự ích kỷ là tình yêu..., tức họ nằm trong nhóm những người sẵn sàng trả thù nếu tình yêu tan vỡ, bạn cần tỉnh táo để có thể lượng giá mức độ nguy hại trong hành vi mà đối phương sẽ dành cho bạn.
Lúc này, bạn cần tìm người đồng hành cùng mình, đó có thể là bạn bè hoặc gia đình để bạn có thêm nghị lực và điểm tựa. Nếu tình hình xấu nhất xảy ra bạn bị đe dọa đến tính mạng, thì đừng quên rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật, có các tổ chức xã hội, đừng ngại lên tiếng để được bảo vệ trước khi quá muộn. Những người bị bạo hành thường là những người đóng nắp rất kỹ vấn đề của mình, không chịu mở lòng, không tâm sự với người thân người quen, chỉ khi bị trả thù xong mới kể cho người khác, lúc đó muộn rồi thì cứu làm sao.
Trên hết và trước hết, chúng ta hãy cố gắng xây dựng một tình yêu bằng đầy đủ sự tỉnh táo, tôn trọng và trách nhiệm (với bản thân) ngay từ đầu để không phải tìm cách ứng xử với những kết thúc đau buồn và nhiều hệ lụy.
Kim Anh