Thời đi học, Hằng được xếp vào hàng hoa khôi của lớp, có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng cô lại chọn Giang, anh chàng đầu tiên cô gặp trong ngày nhập trường. Giang có chút tài lẻ, nên dù hình thức và học hành bình thường nhưng cũng có nhiều cô gái yêu mến. Hai người chính thức yêu nhau từ năm thứ ba. Ra trường, cả hai quyết tâm bám trụ Sài Gòn để duy trì tình yêu. Công việc của Hằng tương đối thuận lợi, còn Giang mới hai năm mà đã bốn lần nhảy việc.
Giang bình thường khá lành, nhưng nếu uống rượu vào thì trở nên cục tính. Thời sinh viên, Giang đã vài lần ghen tuông, đi uống rượu rồi về bạt tai hay tát nổ đom đóm mắt người yêu. Sau đó, anh chàng lại mang hoa đến xin lỗi. Bây giờ đi làm, khi sự nghiệp có vẻ lận đận hơn thì mức độ ghen tuông của Giang cũng tăng lên.
Hôm trước, công ty Hằng tổ chức mừng sinh nhật cho những người sinh tháng 5, trong đó có cô ở quán karaoke. Giang nhắn tin, gọi điện không được liền bỏ đi uống rượu, cuối cùng lại đến nhà Hằng. Hằng vừa bước chân vào cửa cũng là lúc Giang lao đến túm tóc, dúi đầu cô vào tường rồi bỏ đi. Mấy hôm sau, Hằng ốm phải nằm nhà, Giang xin nghỉ việc, đến chăm sóc tận tình, còn kiếm được cả mật gấu mang đến xoa cho người yêu. Vì vậy, mỗi khi bạn bè phản đối anh chàng, Hằng lại bảo: “Anh ấy yêu mình nên mới ghen thế. Mình bị ăn đòn cũng do mình đã vô ý thôi”.
Quá mệt mỏi vì thường xuyên bị người yêu hạ cẳng chân, thượng cẳng tay, Kiều đang suy nghĩ có nên chia tay không khi mình đã 27 tuổi. Cô viết thư gửi VnExpress.net mong nhận được lời khuyên của bạn đọc. Người yêu của cô khá nóng tính, nếu Kiều làm gì đó khiến anh không hài lòng, cộng với việc anh đang bực tức chuyện gì thì việc cô ăn tát là đương nhiên. Cô từng bị người yêu đấm đá tới tấp khiến người bầm dập thâm tím.
Kiều thừa nhận nếu những lúc người yêu nóng mà cô chịu khó nhịn thì không sao hết, nhưng không phải lúc nào cô cũng nhịn được. Bởi khi tức, người yêu chửi cô rất vô cớ, rồi đổ lỗi cho cô, dù cô hoàn toàn vô tội. Khi cô tỏ ra mệt mỏi, chán chường mà bất cần thì người yêu quay trở lại xin lỗi, hứa hẹn từ sau không đánh nữa, với điều kiện cô đừng cãi lại anh. Chuyện tình của họ tiếp diễn suốt 4 năm với rất nhiều lần đánh nhau, chia tay, rồi quay lại.
Chia sẻ trong buổi sinh hoạt tháng 5 của Câu lạc bộ Tiền hôn nhân (Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP HCM), thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Cao đẳng Sư phạm trung ương TP HCM) nhận xét, các cô gái thường rất dễ dụ, sau một trận đòn nhừ tử, chỉ cần người yêu quỳ gối là mọi chuyện trước đó tiêu tan theo mây khói.
Nhiều cô gái cứ lầm tưởng chàng trai yêu mình nên mới ghen, ghen nên mới đánh. Bên cạnh đó, nhiều người dù bị người yêu đánh vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ vì không vượt qua được cảm giác đau khổ khi tình yêu tan vỡ.
Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM) cho rằng, nguyên nhân khiến các cô gái dù bị người yêu bạo hành nhưng vẫn tiếp tục yêu thường có hai loại: do tâm lý bên trong, quá yêu, yêu đến mức mù quáng, yêu mất cả lý trí; và do tác động bên ngoài, vì một sự ràng buộc nào đấy, có thể là tiền bạc, là đã nếm "trái cấm", hay bị người kia dọa nạt, dọa sỉ nhục, dọa tung ảnh nóng, thậm chí dọa giết nên không dám bỏ.
Các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, bạo hành trong tình yêu không phải là tình cảm, không phải là tình yêu đúng nghĩa. Tất cả hành động bạo hành đều xuất phát từ việc hiểu sai về tình yêu. Bản chất của tình yêu là mình có thể hy sinh cho người kia và thấy hạnh phúc vì người kia được phát triển chứ không phải thỏa mãn khi người yêu bị dày vò. Tình yêu hoàn toàn không phải là sự chiếm hữu hay buộc người yêu phải làm theo ý của mình, bởi vì mỗi con người vốn là một "hàng độc" duy nhất trên thế giới.
Bạo hành là yếu tố thuộc về hành vi. Hành vi này được tạo dựng từ những thao tác trước đó, và khi nó đã thành hành vi rồi thì nguy cơ trở thành thói quen là chắc chắn. Vì thế, nếu đã đánh được lần thứ nhất, chắc chắn sẽ có lần thứ hai và có thể là lần thứ n.
Tốt nhất, để tránh bị bạo hành nhân danh tình yêu, ngay khi mới bắt đầu yêu, thạc sĩ Tô Nhi A khuyên các bạn trẻ nên tự nhận diện xem người ấy có những dấu hiệu manh nha của bạo hành hay không, đó là không tôn trọng người yêu, thể hiện sự chiếm hữu trong tình yêu.
Nếu anh ta có những biểu hiện của sự gia trưởng, không cho bạn quyết định, buộc bạn phải làm theo... thì bạn phải đặt dấu hỏi trong đầu và có những đáp trả kịp thời nhưng phải phù hợp về bối cảnh. Có thể một, hai lần đầu tiếp nhận ý kiến nhưng sau đó hẹn chàng trong buổi cà phê lãng mạn, trong trạng thái anh ấy dễ chịu nhất, dùng chính thế mạnh nữ giới để phản ứng lại đối phương một cách vừa phải. Ví dụ hôm đó em thấy anh nói vậy cũng có lý của anh nhưng em thấy nên điều chỉnh một chút thế này có được không. Nếu bạn đã cố gắng hết mức mà vẫn không nhận được tín hiệu thiện chí từ người yêu thì lúc đó nên buông, bởi tuổi trẻ có hạn, không thể cái gì cũng làm lại.
Thạc sĩ Nhi A nhận xét, các cô gái tuy là nạn nhân của bạo hành, nhưng đáng tiếc lại là người đồng lõa. Nếu ngay từ đầu bạn đã chấp nhận tuân theo người yêu vô điều kiện, tạo cho chàng cảm giác được có quyền với các hành động của bạn thì đến một ngày nào đó khi bạn trái ý anh ta, chắc chắn bạn sẽ bị đàn áp. Nhiều người bị người yêu bạo hành không dám nói với ai vì sợ xấu hổ, nhưng nếu bạn cứ chịu đựng thì có thể có ngày bạn sẽ mất mạng, chứ không chỉ là xấu mặt.
Để cứu những cô gái thoát khỏi những người tình côn đồ, theo giáo sư Vũ Gia Hiền cần có sự giúp đỡ của những người thân hay bạn bè, những người tỉnh táo ở bên cạnh. Nếu là những cô gái cuồng yêu thì những người bên cạnh cần phải nhẹ nhàng khuyên bảo từng bước, không nên chê bai quá nặng lời chàng của cô ấy kẻo phản tác dụng.
Ông cho biết, có trường hợp không chữa được bằng tâm lý thì phải nhờ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Còn nếu cô gái không dám bỏ vì ràng buộc bên ngoài thì người thân cần biết đó là ràng buộc gì để tìm cách tháo gỡ. Nếu là nợ nần tiền bạc thì giúp trả tiền, nếu anh chàng kia là kẻ liều lĩnh, thậm chí có thể phải nhờ đến công an…
Kim Anh