Một ngày sau khi diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, trên các diễn đàn thi cử, nhiều thí sinh phản ánh một câu hỏi trong đề sai do thiếu dữ liệu. Do không được mang đề thi ra khỏi phòng, nhiều thí sinh đã chép và thể hiện lại câu hỏi trên.
Cụ thể, câu hỏi cho một biểu đồ hình tròn thể hiện tỷ lệ 5 nguồn vốn thành phần: hỗ trợ ngoài, thu phí, ngân sách, quỹ dự phòng, vay thị trường. Đề cho biết: "Nếu huy động 9.659 ngàn tỷ USD từ hỗ trợ ngoài, để đảm bảo nguồn vốn theo dự toán cần phải tăng thêm khoản vay từ thị trường bao nhiêu phần trăm?". Bốn phương án với các tỷ lệ khác nhau được đưa ra để thí sinh lựa chọn.
Theo nhiều thí sinh, đề này thiếu dữ liệu về tổng số vốn ban đầu, nên không thể giải được. "Dữ liệu câu hỏi đưa ra lại thiếu mất tổng số tiền chi cho dự án đó, nên không tính được phần trăm tăng lên của khoản vay thị trường", một học sinh THPT Marie Curie, quận 3 cho biết. Đọc đề và thử giải nhiều cách không được, em phải khoanh bừa câu hỏi này.
Một thí sinh khác tại điểm thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP Thủ Đức xác nhận, bài toán trên là một trong 120 câu hỏi đánh giá năng lực.
Khi đọc đến câu này, em có phản ánh với giám thị về điểm bất thường. Giám thị so sánh với một số đề thi khác của thí sinh cùng phòng và nhận thấy tất cả đều giống nhau. Do đó, giám thị ghi nhận phản ánh, thí sinh tiếp tục làm bài.
Nhiều thí sinh khác cho biết, trong đề thi có một câu hỏi với hai đáp án trùng nhau khiến thí sinh không biết chọn ra sao.
Ngoài ra, nhiều giáo viên, chuyên gia ngôn ngữ cũng tranh cãi về một câu hỏi thuộc lĩnh vực ngôn ngữ trong đề đánh giá năng lực. Theo đó, câu hỏi yêu cầu tìm từ "không phải là Hán Việt" trong bốn phương án: "linh tinh", "linh thiêng", "linh khí" và "linh hồn".
"Nhìn vào phương án này, dễ dàng chọn từ linh tinh là đáp án, nhưng khi về dò từ điển thì đây cũng là một từ Hán Việt. Và nếu như vậy, thì không biết đáp án là từ nào", một thí sinh cho biết.
Có ý kiến lại cho rằng, linh thiêng là đáp án "có vẻ đúng nhất" bởi "thiêng" là từ Nôm; các từ còn lại đều có cấu trúc Hán Việt.
Chiều 28/3, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM) xác nhận, Hội đồng thi cũng nhận được phản ánh về những câu hỏi được cho là có sai sót. Cụ thể, một câu hỏi biểu đồ hình tròn và một câu hỏi trùng phương án lựa chọn. Tất cả phản ánh đều có trong biên bản hội đồng.
Theo ông Chính, hiện Hội đồng thi đang thực hiện khâu quét bài làm, chưa tiếp cận được đề thi. Do đó, Hội đồng chưa thể đánh giá được các phản ánh của thí sinh. Trong quá trình rà soát, kiểm tra lại, nếu phát hiện đề thi có sai sót, Hội đồng kỳ thi sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Theo đó, nếu câu hỏi không đủ dữ kiện để trả lời, hội đồng có thể chấm điểm tối đa câu hỏi này cho tất cả thí sinh. "Kết luận về các phản ánh và hướng xử lý sẽ được chúng tôi công bố công khai", ông Chính cho biết.
Ông Chính cũng cho biết, đề thi đánh giá năng lực được chọn kỹ lưỡng từ hàng nghìn câu. Tuy nhiên, ông Chính thừa nhận, khâu xây dựng đề thi không tránh khỏi sai sót hoặc lỗi kỹ thuật trong khâu in ấn.
Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM gồm có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200. Cấu trúc bài thi gồm có ba phần: sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Lĩnh vực của đề thi rộng khắp, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh, ngôn ngữ.
Hôm qua, hơn 79.000 thí sinh, chiếm 96,4% số lượng đăng ký, đã dự thi đánh giá năng lực đợt một do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức tại 80 điểm, ở 17 tỉnh thành. Kết quả kỳ thi này được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, bên cạnh các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hiện, 84 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM. Số ngành học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển là 1.266.
Mạnh Tùng - Thu Hương