"Cần đưa giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại để được nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi quy định", ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động thuộc Liên đoàn lao động TP Hà Nội, chia sẻ với báo giới chiều 11/10.
Vừa qua, Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã ghi nhận đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi qua lấy ý kiến lao động, doanh nghiệp; tiếp xúc cử tri cùng đại biểu Quốc hội thành phố. Theo ông Dưỡng, sau vài năm thực thi, một số chính sách về luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) đã bộc lộ nhiều bất cập, như tuổi hưu tăng theo lộ trình dẫn đến tuổi hưởng lương hưu cũng nâng lên tương ứng.
Cụ thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của lao động nam mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; bốn tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Trước đó, tuổi nghỉ hưu với nam là 60, 55 với nữ.
Thực tiễn cho thấy lao động nhiều năm đứng trong dây chuyền khi ngoài 40 tuổi sức khỏe bắt đầu giảm, mắt mờ tay chậm. Nhiều người không đáp ứng được cường độ lao động đã bị thải loại sớm và không thể chờ tới 58-60 tuổi để được hưởng lương hưu. Sau một năm nghỉ việc, không còn thu nhập, họ tính ngay tới rút BHXH một lần.
"Nhiều lao động rút BHXH một lần bắt nguồn từ việc tăng tuổi nghỉ hưu, khó lòng chờ nên điều kiện hưu trí cần sửa đổi phù hợp với từng nhóm", ông nói, thêm rằng để thu hút người tham gia BHXH, các chính sách cần linh hoạt, tăng quyền lợi thay vì dùng biện pháp cứng. Thực tế, công nhân phía Nam đã ngừng việc tập thể để phản đối Điều 60 hạn chế rút BHXH một lần năm 2015.
Tình hình quan hệ lao động tại Hà Nội ổn định khi chưa ghi nhận một cuộc đình công nào trong 9 tháng đầu năm 2023. Song công đoàn thành phố thống kê 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thị trường lao động chưa bền vững khi hàng loạt công nhân rời bỏ nhà máy về quê hoặc ra ngoài làm tự do khiến lực lượng phi chính thức tăng lên.
Theo công đoàn Hà Nội, ngoài những doanh nghiệp khó khăn đơn hàng thực sự, không loại trừ một số nhà máy dựa vào lý do này cắt giảm lao động trên 35 tuổi để tuyển công nhân trẻ hơn vào dây chuyền.
Ông Dưỡng phân tích, quy định về cắt giảm lao động hiện khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể thải loại hàng nghìn lao động và nhóm đầu tiên nhắm đến luôn là công nhân lớn tuổi. Vì thế, cần xem xét lại lý do doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn có đúng do mất đơn hàng, chịu ảnh hưởng của suy thoái hay không. "Nếu luật không quy định chặt chẽ thì chủ sử dụng lao động rất dễ lách", ông nói.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Huy Khánh kiến nghị cấp thẩm quyền sớm có biện pháp xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Các quyền lợi này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống lao động và cũng có thể là nguồn cơn của mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê tới tháng 6/2023, TP Hà Nội ghi nhận hơn 54.000 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT với hơn 5.200 tỷ đồng. Trên 32% trong số này là các đơn vị dừng giao dịch, giải thể, chủ bỏ trốn, phá sản.
Hồng Chiêu