![]() |
Hanosimexi là một đơn vị dệt may có tỷ lệ nội địa hóa cao. |
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp dệt may lớn với VnExpress, rút kinh nghiệm từ việc phân giao hạn ngạch sang EU hay Canada, phần lớn các Cat đem ra đấu thầu đều không ký được đơn hàng. Về nguyên tắc, đơn vị nào bỏ thầu với đơn giá cao nhất sẽ trúng. Nhưng các đối tác nước ngoài lại không chấp nhận giá này và ngay lập tức chuyển sang nước khác để thuê gia công.
Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Lê Quốc Ân đề xuất, thay vì tổ chức đấu thầu, Bộ Thương mại nên cho phép doanh nghiệp chuyển nhượng hạn ngạch khi không có nhu cầu. Theo ông Ân, cơ chế vay mượn năm nay giúp các đơn vị linh hoạt hơn trong việc tận dụng tối đa nguồn hạn ngạch để xuất khẩu. Tuy nhiên, nó lại đang gây khó cho doanh nghiệp, bởi thực chất hai bên đã tự thanh toán tiền với nhau khi trao đổi hạn ngạch. Vậy mà sang năm, bên cho vay vẫn được nhận lại hạn ngạch và vẫn được ghi nhận thành tích xuất khẩu. Trong khi đó, bên đi vay dù đã trả tiền cho hạn ngạch đi mượn lại không được ghi nhận thành tích mà còn bị trừ vào hạn ngạch tiêu chuẩn của năm 2004.
Bản thân Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Lê Văn Thắng cũng thừa nhận, quy định vay mượn hạn ngạch khi đi vào thực tế đã gặp một vài trục trặc. Sau khi đi thực tế, tổ điều hành liên bộ đã đề nghị cho phép doanh nghiệp đi vay sẽ không phải trả lại hạn ngạch vào năm sau đồng thời ghi nhận thành tích cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo ông Thắng, cần phải xem xét kỹ đề xuất của Vitas vì ở Việt Nam hiện chưa chấp nhận chuyển nhượng hạn ngạch.
Tán đồng với đề xuất của Vitas, đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, nếu không cho phép thì sẽ nảy sinh tình trạng chuyển nhượng bất hợp pháp, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Amcham, nên đưa ra một mức cụ thể để giới hạn việc chuyển nhượng, nhằm tránh tình trạng chỉ đăng ký xin hạn ngạch để đi bán lại.
Cũng trong phương án phân bổ năm 2004, Vitas đề xuất tỷ lệ hạn ngạch dành cho các doanh nghiệp có thành tích vẫn giữ nguyên như năm nay, tức là 70%. Tỷ lệ tương ứng dành cho hạn ngạch phát triển (dành cho doanh nghiệp đầu tư mới, chưa được phân bổ trong năm 2003) chỉ nên là 7% chứ không phải 21% như hiện nay. Vì vậy, Vitas đề nghị dành toàn bộ tỷ lệ tăng trưởng trong Hiệp định Dệt may Việt Mỹ để làm nguồn hạn ngạch phát triển. Để thực hiện chiến lược khách hàng lâu dài, cả Vitas và Amcham đều đề nghị dành mức hạn ngạch khách hàng (đối tượng là những nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, có nhu cầu đặt hàng ổn định tại Việt Nam) lên tới 15%. Hạn ngạch cho những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước và doanh nghiệp ở vùng xa lần lượt là 12% và 3%.
Vitas cũng như các doanh nghiệp thành viên của mình đều kiến nghị việc tổ chức quản lý và phân bổ hạn ngạch nên tập trung, không phân cấp về địa phương.
Những đề xuất trên đây của Vitas sẽ được tổ điều hành liên bộ xem xét và đưa vào dự thảo quy chế bổ hạn ngạch dệt may sang Mỹ năm 2004. Quy chế này sẽ phải sớm được hoàn tất để có thể kịp trình Chính phủ trước tháng 9 này.
Song Linh