Ngày 23/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Hải Dương báo cáo sau 7 ngày tỉnh thực hiện cách ly xã hội, số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các ‘điểm nóng’ trước đây (Cẩm Giàng, Chí Linh).
Tỉnh Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu mỗi ngày và hoàn toàn có thể nâng lên 120.000 mẫu mỗi ngày (mẫu gộp), để tiến hành xét nghiệm tầm soát diện rộng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của tỉnh Hải Dương. Nhấn mạnh còn một tuần nữa hết giãn cách xã hội, ông Sơn nói đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.
Thứ trưởng Y tế đề nghị tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng cho công nhân các khu công nghiệp; xây dựng cỡ mẫu phù hợp, với đối tượng phù hợp, tập trung vào những nhóm, khu vực nguy cơ cao (bến xe, người buôn bán...) để triển khai xét nghiệm tầm soát, bảo đảm vừa hiệu quả trong chống dịch, vừa hiệu quả về kinh tế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, đồng thời Hải Dương cần đưa ra chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp và khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động, qua đó tránh lãng phí.
"Hiện nay chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm", Phó thủ tương nói.
Ông nêu rõ tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân mới được hoạt động, không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn tạo tâm lý đã xét nghiệm rồi lại muốn xét nghiệm tiếp, đặc biệt rất nguy hiểm là tâm lý có kết quả âm tính thì chủ quan, mất cảnh giác.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 kiên trì phương châm huy động xét nghiệm có xã hội hóa, nhưng dưới sự điều phối thống nhất của CDC các địa phương và Bộ Y tế, tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu trong vấn đề này để nhân ra cả nước.
Cùng ngày, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Hải Dương, ông Lương Văn Cầu - Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định trước đây xét nghiệm nhằm dập dịch là chính, còn hiện nay Hải Dương đã bước vào giai đoạn hai là "phản công đẩy lùi Covid-19".
"Mở rộng xét nghiệm để chuyển từ dập dịch sang bước chủ động hơn là sàng lọc nguy cơ lây nhiễm", ông Cầu nói.
Hải Dương xác định nhóm các địa phương nguy cơ cao gồm TP Chí Linh, TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Kim Thành. Nhóm nguy cơ gồm thị xã Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang. Năm huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Thanh Hà, Ninh Giang được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Cuối cùng là nhóm các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chiến lược lấy mẫu xét nghiệm diện rộng nằm trong 8 nhiệm vụ cấp bách Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra một ngày trước đó. Hiện công suất xét nghiệm ở Hải Dương đạt 60.000 - 80.000 nghìn mẫu gộp một ngày đêm. Toàn địa bàn đã lấy khoảng 230.000 mẫu, dự kiến thời gian tới thêm 162.000 mẫu, tổng cộng đạt gần 400.000 mẫu xét nghiệm.
Hoạt động lấy mẫu sẽ diễn ra từ 24/2 đến 1/3. Các mẫu xét nghiệm sẽ phân thành năm loại, bao gồm lấy mẫu phòng chống dịch bắt buộc theo quy định chung; lấy mẫu để đáp ứng xử lý ngay ổ dịch; lấy mẫu để đánh giá nguy cơ; đánh giá tiêu chí an toàn và lấy mẫu nhóm phát sinh.
Hải Dương ghi nhận 625 ca bệnh, tính từ lúc dịch bùng phát 28/1 đến nay. Toàn tỉnh ghi nhận sáu ổ dịch lớn gồm TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương và ổ dịch mới tại xã Kim Liên (huyện Kim Thành).
Hoàng Phương - Viết Tuân