Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sáng 22/2 họp hơn bốn tiếng về công tác chống dịch trên địa bàn. Nhìn lại 6,5 ngày qua kể từ lúc cách ly xã hội toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định Hải Dương đang đi đúng hướng, dần kiểm soát được dịch bệnh, thể hiện qua nhiều chỉ số.
Theo ông Thăng, số ca dương tính dù chưa giảm rõ rệt, nhanh chóng nhưng có xu hướng giảm là tín hiệu mừng. Từ 30 ca đến 40 ca những ngày đầu, giờ giảm xuống còn 15 ca, rồi 8 ca và "bây giờ giảm được một ca cũng là quý giá".
Một số địa bàn kiểm soát tốt và trở nên khá an toàn, như TP Chí Linh, nơi diễn ra dịch sớm nhất, lớn nhất hiện chỉ phát sinh ca nhiễm trong khu cách ly. Cẩm Giàng từ ổ dịch phức tạp đã được kiểm soát, triệt tiêu nguy cơ bùng dịch trong nhà máy. Các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà... những ngày qua không có ca nhiễm mới.
"Nhiều nơi vắng lặng như tờ khi cách ly xã hội, nhìn xót lắm. Người dân phải chấp nhận một cái giá không nhỏ khi ở trong nhà để kiểm soát dịch", ông nói.
Theo ông Thăng, toàn tỉnh xác định 8,5 ngày sắp tới (số ngày còn lại đến khi Hải Dương hết cách ly xã hội) là "giai đoạn tổng tiến công, cuộc chiến chống dịch của Hải Dương có thành công hay không chính là ở thời gian này".
Lãnh đạo Tỉnh ủy Hải Dương đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó, nêu rõ người đứng đầu đơn vị hành chính cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh do chủ quan.
Toàn tỉnh tiếp tục "làm thật nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16". Các lực lượng duy trì tại chốt không được lơi lỏng' người dân ra đường khi không có việc cấp bách thì kiên quyết không cho qua.
Ông Thăng cũng yêu cầu củng cố hiệu quả hoạt động của các tổ Covid cộng đồng - cánh tay nối dài của chính quyền tới từng ngõ ngách của các khu dân cư. Các huyện thành lập thêm các tổ Covid cộng đồng, mỗi tổ phụ trách từ 50 đến 70 hộ dân, tối đa là 100 hộ tùy địa bàn. Các tổ này phải hoạt động cả ngày lẫn đêm, đảm bảo mỗi hộ gia đình một ngày phải được "hỏi thăm" hai lần về tình hình sức khỏe, có người ho sốt hay không. Hải Dương coi tổ Covid cộng đồng là "vũ khí mới trong phòng chống dịch".
Hải Dương cũng sẽ "tổng giám sát ho, sốt cộng đồng trong toàn tỉnh". Các cửa hàng bán thuốc phải ghi lại thông tin, thông báo cho chính quyền địa phương biết các trường hợp đi mua thuốc ho, sốt để lấy mẫu xét nghiệm; toàn bộ người đến bệnh viện cũng phải được giám sát.
Hải Dương cũng sẽ xem xét việc xét nghiệm trên diện rộng để đánh giá nguy cơ dịch tễ. Hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đạt khoảng 60.000 - 80.000 mẫu gộp một ngày đêm. Ngành Y tế được giao xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức xét nghiệm trên diện rộng theo ba mức độ: nhóm nguy cơ cao, nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong phòng, chống dịch trên địa bàn, như vài ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng; việc chấp hành lệnh giãn cách một số nơi ở thị trấn, thị tứ, chợ chưa nghiêm khi người dân vẫn còn đá bóng ngoài đường, bán hàng không cần thiết. "Hôm qua tôi đã gọi điện phê bình mấy bí thư các huyện, phải chấn chỉnh ngay việc này", ông Phạm Xuân Thăng nói.
Bí thư Hải Dương một lần nữa phê bình lãnh đạo hai huyện Cẩm Giàng, Kim Thành vì lúng túng trong công tác chỉ đạo chống dịch, từ huyện đến xã vào cuộc không nghiêm. Đặc biệt, tổ Covid cộng đồng ở Kim Thành chủ quan, không giám sát được ho, sốt trong cộng đồng để ca bệnh ở xã Kim Liên kéo dài rồi bùng phát, biến Kim Thành thành ổ dịch mới phức tạp nhất hiện nay.
"Ngay từ giờ phút đầu tiên, tỉnh đã chỉ đạo rà soát từng chỗ, ra không thiếu văn bản nào, nói ra rả suốt ngày, nhưng đến tận nơi kiểm tra vẫn thấy chống dịch không nghiêm", ông Thăng gay gắt và giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc, rà soát những người vi phạm để xử lý thích đáng, vì "không thể nói chơi được với dịch bệnh".
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hải Dương, toàn tỉnh ghi nhận 611 ca dương tính nCoV, tính đến sáng 22/2. Hải Dương cách ly xã hội từ 16/2, hiện ghi nhận các ổ dịch lớn là TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương và ổ dịch mới ở Kim Thành.
Hoàng Phương