Phó chủ tịch Hiệp hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) - Hồ Tất Thắng cho hay tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã diễn ra khá lâu và rất tin vi, song người tiêu dùng không dễ khởi kiện vì việc thu thập bằng chứng rất khó. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhằm bảo vệ người tiêu dùng và làm trong sạch môi trường kinh doanh.
Kiểm kê xăng trước khi niêm yết giá bán mới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông, xử phạt hành chính không đủ sức răn đe do vậy rút giấy phép kinh doanh, điều tra và khởi tố một số đơn vị được coi là biện pháp mạnh mà cơ quan chức năng có thể làm để bảo vệ người tiêu dùng. "Hiệp hội rất bất bình trước hành vi gian lận của các cây xăng. Trước sau chúng tôi vẫn thống nhất quan điểm là phải xử lý nghiêm những đơn vị có bằng chứng cho thấy họ móc túi người tiêu dùng. Chúng tôi sẵn sàng cùng người tiêu dùng ra tòa nếu có một phiên tòa dân sự được mở". ông Thắng nói.
Trước đó, theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 27/9, Bộ Công Thương đã yêu cầu 13 tỉnh thành phố lập tức rút giấy phép của 33 doanh nghiệp xăng dầu nằm trong danh sách "đen" móc túi người tiêu dùng. Nếu đơn vị nào có dấu hiệu phạm tội thì lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật xử lý.
Theo số liệu của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) từ đầu năm đến nay, có ít nhất 413 trường hợp vi phạm về đong thiếu xăng, 394 vụ vi phạm về chất lượng và khoảng 225 vụ vi phạm về phương tiện đo lường. 229 vụ vi phạm về bán sai giá niêm yết đã bị phạt với số tiền 1,4 tỷ đồng.
Hồng Anh