Sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 53 cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực mà Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong 4 năm đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ, trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, "nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt và các giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Việt Nam trở thành một trong số ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương, bảo đảm an sinh xã hội"...
Theo ông Tùng, hiện còn 9 vấn đề về kết quả công tác của Chính phủ cần được bổ sung trong báo cáo. Trong đó, Chính phủ cần làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp khắc phục; bổ sung phân tích, đánh giá việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu của Nghị quyết 63/2018, Quốc hội khóa 13.
Ngoài ra, hiện còn 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó 12 dự án đang thi công, 12 dự án chuẩn bị triển khai. Trong đó có một số công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và tuyến Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi).
Công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm, như: Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu.
Theo ông Tùng, việc tăng thứ bậc xếp hạng toàn cầu như báo cáo nêu là "hết sức tích cực" (ví dụ xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 3 bậc...), nhưng so sánh với các nước ASEAN thì vẫn xếp thứ 5 hoặc 6.
Tham gia thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế gửi Thường vụ Quốc hội báo cáo, đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành; bổ sung đánh giá kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật; luôn thực hiện theo tư tưởng thượng tôn pháp luật; "hạn chế được tình trạng tiền trảm hậu tấu, không để lại hậu quả cho khóa sau phải xử lý".
Tuy nhiên, ông Phúc cũng nêu rõ nhiệm kỳ vừa rồi còn nhiều điểm nghẽn trong Luật Đất đai, nhưng Chính phủ chưa tập trung tháo gỡ, chưa tổng kết để chỉ ra vướng mắc của luật này để đề nghị Quốc hội sửa đổi, dù đã phát hiện từ đầu nhiệm kỳ. "Chính phủ cũng chưa tạo được điểm nhấn khi cả nhiệm kỳ chưa có công trình trọng điểm quốc gia nào", ông Phúc nói.
"Nhiệm kỳ này có sân bay Long Thành nhưng tiến độ quá chậm, vắt từ Quốc hội khóa 13 sang. Chính phủ xin Quốc hội tách ra làm 2 đề án, nhưng không cái nào đi trước được, cuối cùng lại chập một", ông Phúc nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua "rất năng động, sáng tạo, tích cực; điều hành, quản lý cán cân rất tốt, không nặng về kinh tế, nhẹ về xã hội".
Khác với ông Phúc, bà Ngân cho rằng dấu ấn của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là đã thành công trong xử lý nhanh và kiểm soát tình hình khi đất nước đứng trước hiểm họa thiên tai, đại dịch, được nhân dân trong nước đồng tình, bạn bè quốc tế ca ngợi. "Tôi rất ấn tượng với Chính phủ nhiệm kỳ này", bà nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng Chính phủ cần nhìn nhận lại một số vấn đề. Những thành tích đạt được là do sự điều hành nhạy bén, năng động của Chính phủ, nhưng khi có tồn tại, khuyết điểm thì các báo cáo hay đổ thừa "là sự bất cập, chồng chéo của pháp luật" mà không nhận việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu. "Nếu hệ thống pháp luật mà chồng chéo thì đất nước không được như ngày nay", bà nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá lại các tổ công tác của Thủ tướng, không nên sinh thêm cơ chế trung gian. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về những việc chậm trễ, không thực hiện đúng chỉ đạo. Còn Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi, báo cáo tham mưu ngay cho Thủ tướng và đôn đốc việc này trong các kỳ họp thường kỳ.