Trong văn bản gửi Bộ Y tế hôm 9/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ Y tế xác minh việc đáp ứng các điều kiện tự chủ của trường để được tự xác định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được tự xác định học phí, Đại học Y Dược TP HCM phải đạt tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng, cam kết chất lượng đầu ra và có trách nhiệm giải trình với xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về mức thu học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết.
Mức học phí phải tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, công khai định mức chi phí tiền lương, vật tư, chi quản lý, chi khấu hao, chi khác và có lộ trình tăng phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo. Nhà trường cũng cần công khai mức thu học phí, lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học theo quy định.
Trước đó ngày 2/6, Đại học Y Dược TP HCM công bố học phí năm học 2020-2021 là từ 30 đến 70 triệu đồng tùy ngành, tăng 2-5 lần so với năm ngoái. Trong đó ngành Răng - Hàm - Mặt thu cao nhất - 70 triệu, Y khoa 68 triệu đồng. Ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng có học phí thấp nhất - 30 triệu đồng.
Những năm học tiếp theo, dự kiến học phí năm sau sẽ cao hơn năm trước 10%. Với học phí này, để trở thành một bác sĩ đa khoa (ngành Y khoa 6 năm), sinh viên phải đóng hơn 500 triệu đồng.
Lãnh đạo Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Đại học Y Dược Hải Phòng đều cho rằng việc trường y tăng học phí khi tự chủ là tất yếu. Bởi tính trung bình đào tạo một sinh viên Y tốn khoảng 20-30 triệu đồng một năm, nếu không được thu đủ, thu đúng, các trường sẽ khó xoay xở, chảy máu chất xám, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đại học Y dược TP HCM là trường công lập thuộc Bộ Y tế, hiện có 7 khoa, gần 1.000 giảng viên với quy mô 9.000 sinh viên chính quy.