Theo NFI, luật pháp Mỹ quy định hải quan không được thu thuế 2 lần. Thế nhưng với quy định đóng ký quỹ 100%, vô hình trung CBP đang tiến hành thu thuế 2 lần đối với tôm nhập khẩu từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá. Hơn nữa, quy định đóng ký quỹ 100% chỉ áp dụng đối với mặt hàng tôm mà không áp dụng đối với bất kỳ mặt hàng nào khác từ trước đến nay, là không phù hợp.
Đơn kiện cũng yêu cầu tòa án đưa ra một lệnh cấm sơ bộ nhằm chấm dứt việc thực thi quy định đóng bond 100% của CBP. Đồng thời, 6 công ty nhập khẩu lớn của NFI cũng đã gửi lên tòa án các bản khai chi tiết về những thiệt hại không thể bù đắp mà họ đang phải gánh chịu do quy định đóng bond.
Con tôm Việt Nam đang chịu áp lực bởi khoản ký quỹ nặng nề nếu muốn nhập khẩu vào Mỹ. (Ảnh: SGGP) |
Đầu tuần này, các nguồn tin báo chí nước ngoài cũng cho hay, theo chính sách mới của CBP, số tiền đóng ký quỹ liên tục đối với một số trong 14 mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu vào Mỹ đang chịu thuế chống bán phá giá, sẽ tăng gấp 10 lần. Hiện chỉ mới có tôm là mặt hàng đã trở thành nạn nhân của quy định này. CBP cũng dự định sẽ áp dụng chính sách mới đối với 13 mặt hàng còn lại như tôm sông của Trung Quốc, cá basa của Việt Nam, cá hồi của Na Uy, mặc dù thời hạn triển khai áp dụng chưa được xác định.
Trong năm 2005, các nhà nhập khẩu tôm vào Mỹ đã phải đóng tiền ký quỹ lên tới hàng triệu USD, cao hơn nhiều lần so với mức 50.000 USD theo quy định cũ. Nhằm tránh rủi ro, nhiều nhà nhập khẩu vào Mỹ đã đẩy trách nhiệm đóng bond cho các nhà xuất khẩu khiến tình hình càng thêm bi đát.
Để có tiền đóng ký quỹ, các doanh nghiệp phải lấy tiền từ vốn sản xuất mà đáng lẽ ra có thể sử dụng để phát triển sản xuất hoặc tiếp thị sản phẩm, chưa kể vốn kinh doanh sẽ bị chôn vào bond không chỉ 1 năm mà có thể 2-4 năm sau mới được tháo gỡ. Nhiều nhà xuất khẩu đành ngưng đưa hàng vào Mỹ để tìm thị trường khác thay thế. Tại Việt Nam, hiện chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Minh Phú chấp nhận đóng bond để được duy trì thị trường Mỹ, trong khi 53 doanh nghiệp cùng bị áp thuế phá giá khác phải bó tay do khoản ký quỹ quá cao.
Bond không những ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các nhà nhập khẩu mà thị trường Mỹ cũng chịu cảnh đìu hiu, trong đó chính người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu hậu quả. NFI cho rằng, quy định về bond đang gây tổn thất hàng triệu đôla cho chuỗi cung cấp tôm vào thị trường Mỹ. Chính sách này đang đẩy mặt hàng thủy sản được ưa chuộng số một ở Mỹ vào một cuộc chiến thương mại quốc tế leo thang.
Phan Anh