Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh nhiều loại nông sản đang hoặc sắp bước vào vụ thu hoạch, đặc biệt là trái cây chủ lực với sản lượng lớn như thanh long, xoài, chuối, dứa, vải, nhãn, dưa hấu... Trong khi đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, các địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên ứng xử khác nhau, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản. Chốt kiểm soát dịch bệnh áp dụng biện pháp phòng dịch "quá mức cần thiết" khi không cho phép xe chở nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh với lái xe và hàng hóa.
"Nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị. Các bộ, ngành cần cùng ngồi thống nhất quy trình tháo gỡ nút thắt này", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói trong cuộc họp hôm 7/6.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và địa phương khác, trong đó có nông sản trong vùng cách ly y tế.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản, lái xe và xe vận tải giữa các vùng khi có giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bộ Y tế xem xét cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với nông sản đã được thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch; triển khai cơ chế ưu tiên tiêm vaccine sớm cho lái xe giao nhận hàng hóa.
Bộ Ngoại giao báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đàm phán với các quốc gia có chung đường biên giới về hộ chiếu vaccine áp dụng cho lái xe giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước đó ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình "Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch". Các đơn vị bố trí điểm bán, livestream kết nối thiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tất Định