Mùa thu hoạch vải chín sớm bắt đầu từ 20/5 đến đầu tháng 6 và vải chính vụ hái từ 10/6 đến cuối tháng 7. Loại trái cây đặc sản mang lại cho Bắc Giang hơn 6.800 tỷ đồng doanh thu và các dịch vụ phụ trợ trong năm 2020.
Năm nay khi những chùm vải chín sớm cũng là lúc Bắc Giang đối mặt với đại dịch bùng phát với số ca nhiễm vượt quá 500. Tỉnh phải tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp, liên tiếp cách ly, giãn cách một số huyện, thành phố để chống dịch.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, Bắc Giang chủ động xây dựng ba kịch bản tiêu thụ vải thiều. Kịch bản 1 nếu dịch được kiểm soát, vải thiều tiêu thụ thuận lợi với 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Kịch bản 2 dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, 70% tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 30%. Kịch bản cuối cùng khi dịch ảnh hưởng toàn diện và xuất khẩu bị đóng băng, vải thiều sẽ tiêu thụ hoàn toàn trong nội địa.
Thực tế diễn ra đúng những gì Bắc Giang đã lường trước: Thị trường xuất khẩu hạn chế, thương lái nước ngoài khó sang Việt Nam. Song khâu khó nhất vẫn là lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành bởi mỗi địa phương có quy định riêng, thậm chí là "ngăn sông cấm chợ".
Lãnh đạo tỉnh sớm có văn bản gửi các địa phương nhờ tạo điều kiện cho vải thiều lưu thông trong đại dịch; kiến nghị các bộ ngành, Chính phủ tác động để tháo gỡ khó khăn. Gần một tháng qua, vải thiều đang được tiêu thụ theo kịch bản số 2 và một phần kịch bản số 1, xuất khẩu 30% chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Bắc Giang chủ động lập hai "biệt đội" hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn. Hai tổ này sẽ nắm thông tin, xử lý tại chỗ những khó khăn trong quá trình lưu thông qua cửa khẩu, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương lái các quy định chống dịch của từng địa phương trên đường vận chuyển.
Để bảo vệ vải thiều đang vụ thu hoạch, chính quyền chủ động quản lý chặt chẽ ca nhiễm, khoanh vùng trong các khu công nghiệp tránh lây lan ra cộng đồng. Hơn 3.200 ca nhiễm chủ yếu là công nhân tập trung tại hai ổ dịch thuộc huyện Việt Yên.
Bắc Giang đã đưa nhiều đợt công nhân đi cách ly tập trung, song không đưa về huyện Lục Ngạn. Đây là thủ phủ chiếm trên 70% sản lượng vải thiều của Bắc Giang. Chính quyền thiết lập trăm chốt kiểm soát, chia thành ba lớp cấp huyện, cấp xã và cấp thôn xóm bảo vệ quả vải. Xe vận tải đều phải xuất giấy tờ khi qua chốt, người dân được đo thân nhiệt.
Trong các xóm làng, chủ hộ trồng vải cắm biển từ chối tiếp khách, "nhà nào ở yên nhà nấy" nhằm hạn chế tiếp xúc tối đa. Quả vải thiều Lục Ngạn được bảo vệ bởi bốn vòng kiểm soát, nếu tính thêm "chốt" cấp hộ gia đình. Mô hình này tỏ ra phát huy tác dụng khi vừa kiểm soát được người nơi khác đến, vừa khoanh vùng được các trường hợp F2, F3 để yêu cầu cách ly tại nhà.
Tính đến hết 7/6, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 55.000 tấn vải thiều, đạt gần 30% tổng sản lượng, trong nước hơn 36.000 tấn và 19.000 tấn xuất khẩu. Giá bán mỗi cân vải dao động từ 12.000 đến 32.000 đồng.
Mọi thứ dường như đang đúng kịch bản Bắc Giang đặt ra, song đường đi của quả vải trong đại dịch còn nhiều trắc trở, khi tỉnh chưa hoàn toàn dập hết dịch và mới tiêu thụ khoảng 30% tổng sản lượng toàn tỉnh. Theo Bí thư huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh, năm nay vải được mùa, thu hoạch vượt dự kiến, lên đến 140.000 tấn toàn huyện. Song có hai cái khó trước mắt là nhân công thu hoạch và lưu thông qua chốt kiểm dịch.
Từ 10/6 bắt đầu thu hoạch vải chính vụ, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 tấn song Lục Ngạn đang thiếu khoảng 5.000 lao động hái vải. Những năm trước, nguồn lao động trong tỉnh và các vùng lân cận làm thuê, năm nay nhiều nơi đang phải cách ly, phong tỏa dẫn đến thiếu người. Để giải quyết khó khăn trước mắt, huyện chủ động thành lập hơn 400 tổ đổi công, các hộ lần lượt giúp nhau thu hoạch. Chính quyền huy động thêm tình nguyện viên công an, thanh niên, bộ đội từ các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
Ngoài ra, khi dịch phát sinh, chính quyền Lục Ngạn cũng chủ trương để hơn 4.000 công nhân địa phương ở lại địa bàn, không đi sang vùng khác. Số công nhân này sau đó được xét nghiệm Covid-19, trở thành nguồn nhân lực thu hoạch vải, bù đắp cho phần thiếu hụt lao động của địa phương.
Lục Ngạn cũng đã chủ động thay đổi kịch bản tiêu thụ phù hợp diễn biến dịch, chuyển hướng qua nội địa nhiều hơn, khoảng 65% thay vì ưu tiên xuất khẩu như năm ngoái. Để quả vải lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm dịch, Lục Ngạn chủ trương tiêm vaccine cho toàn bộ người thu mua, lái xe, lao động trong doanh nghiệp vận tải. Ngành y tế bố trí ba điểm test nhanh Covid-19 tại các khu vực đầu mối thu mua vải thiều như Giáp Sơn, Phượng Sơn và thị trấn Chũ.
"Quả vải đầu vụ đến nay vẫn tiêu thụ khá tốt về giá cả, song nếu chốt kiểm soát tại một số tỉnh thông thoáng hơn chút thì sẽ đẩy mạnh lưu thông", ông Oanh nói.
Ông bày tỏ mong muốn các địa phương nới lỏng hơn điều kiện cho xe chở nông sản Bắc Giang đi lại. Lục Ngạn đã chủ động xét nghiệm Covid-19 ba ngày một lần, cấp giấy chứng nhận âm tính cho lái xe; cung cấp chứng chỉ an toàn phòng dịch cho quả vải từ lúc bứt trên cây đến khi đưa lên lô hàng; minh bạch mọi loại giấy tờ khi lái xe thông thương qua các chốt kiểm soát.
Xác định khó khăn còn dài khi dịch chưa hết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phân tích thêm, thời gian tới sẽ vô cùng áp lực khi còn 2/3 sản lượng là vải chính vụ thu hoạch dồn dập trong hơn một tháng. Dịch vụ hậu cần, phương tiện vận chuyển... vì thế cũng tăng. Song theo ông, nếu xúc tiến thương mại thành công, các tỉnh thành tạo điều kiện hơn khi qua chốt, khó khăn dù còn nhưng không đến nỗi không có lối thoát.
"Cho đến thời điểm này, vải thiều đang được thiêu thụ thuận lợi trong nước lẫn xuất khẩu, chưa đến mức phải giải cứu", ông Tuấn khẳng định, song Bắc Giang vẫn mong muốn các địa phương và người dân cả nước tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh tiêu thụ hết số nông sản trong đại dịch.
Hoàng Phương