Chị Ngọc kể, hè năm ngoái, chị đưa con sang nhà ông bà ngoại gửi, nhưng chỉ được 2 tuần thì bị "mang trả" vì không thể trông và bảo nổi cậu cháu cưng "nghịch như giặc". Thế là bố, mẹ phải thay nhau đưa con đến chỗ làm, thỉnh thoảng thì để bé ở nhà một mình.
Đến chỗ mình làm thì bé cũng chạy loanh quanh hoặc ngồi máy tính của ai đó vắng mặt, ở nhà cũng chỉ chơi game và dán mắt vào màn hình TV. Vì thế, năm nay, chị quyết tâm cho con đi học năng khiếu hè. Có điều, chị lăn tăn vì để bé tham gia các trại hè quy mô thì thấy kinh phí lớn quá mà cho cháu học các môn lẻ tẻ ở những nơi khác nhau thì không tiện đưa đón.
Nghe nói có trường mầm non gần cơ quan tổ chức trông trẻ vào hè, kết hợp với mở các lớp năng khiếu, chị Ngọc dự định sẽ đưa con vào đó.
Chị Minh có hai con trai, một lớp 4, một lớp hai. Không dám để cho các con ở nhà, sợ các bé nghịch dại, xảy ra chuyện. Hè đến, chị lên kế hoạch cho các con học các môn năng khiếu như cờ vua, bơi, đá bóng, cộng học thêm môn văn hóa nhà cô giáo, học tiếng Anh. "Lịch học hè của các con thế là kín hết rồi. Con nghỉ hè, bố mẹ vất vả và tốn kém thêm, nhưng không biết làm thế nào khác".
Cho con học hay chơi, học gì, ở đâu... là câu hỏi khiến không ít phụ huynh đau đầu mỗi dịp hè đến. Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ hè, trung tâm thường tiếp nhận giải quyết nhiều trẻ rối nhiễu tâm lý - là hệ quả của việc bị bố mẹ ép vào những khóa học, huấn luyện hè. Chẳng hạn, có bé nhỏ hay quậy phá bị bố mẹ đưa đi trại hè quân đội, áp dụng kỷ luật sắt. Trẻ không thể ngay lập tức thích nghi, và như nước vỡ bờ, càng phá để chống đối...
Theo nhà tâm lý giáo dục, việc cho con học hè không thể lấy ý chí chủ quan của người lớn để áp đặt cho trẻ, nhất là những thứ trái ngược với cá tính, sở thích của các em. Để lựa chọn hoạt động hè cho con, giúp con có kỳ nghỉ vui, ý nghĩa, phụ huynh cần dựa vào một số tiêu chí như: Điều kiện, hoàn cảnh gia đình; Nhu cầu của bố mẹ (muốn bổ sung gì cho con, mong con học được điều gì...); Và quan trọng nhất là nhu cầu và khả năng của trẻ.
Về điều thứ nhất, hoạt động, môn học trẻ tham gia phải phù hợp với ngân sách gia đình, khả năng đưa đón của bố mẹ... Không phải người ta cho con lên núi mình cũng học theo, hay thấy bé hàng xóm học tiếng Anh con mình cũng phải đăng ký.
Căn cứ thứ hai là mong muốn của bố mẹ với con. Chẳng hạn, con có khả năng thích nghi kém, khó hòa nhập, bạn muốn bé mạnh dạn hơn thì có thể cho bé tham gia các nhóm vui chơi, học kỹ năng sống, giao tiếp, nhận biết các phòng tránh các nguy hiểm... Hay bạn muốn phát triển sự khéo léo, sáng tạo... cho con thì có thể đăng ký cho bé các lớp vẽ, tạo hình, hát nhạc... Nếu bố mẹ muốn trẻ phát triển tình cảm thì có thể đưa con đi thăm ông bà, họ hàng, hay cho trẻ chứng kiến cuộc sống của trẻ em đường phố phải làm việc vất vả hoặc trẻ thiệt thòi tại trung tâm mồ côi, khuyết tật...
Và dẫu cho bé tham gia hoạt động nào, học gì thì cũng cần nhớ rằng, hè là một kỳ nghỉ của trẻ sau cả một năm phải học tập, tuân theo các nguyên tắc gò bó, vì thế cần làm sao cho con thoải mái, thư giãn, và được làm theo ý mình một chút.
Theo thạc sĩ Chuẩn, ngay cả những gia đình không có điều kiện cho con học năng khiếu, vui chơi tại các trung tâm thì vẫn hoàn toàn có thể tạo cho trẻ một mùa hè thú vị, bổ ích ngay tại nhà. Quan trọng là, bố mẹ cần biết xếp lịch cho phù hợp, tạo ra các trò chơi mà học, học mà chơi hấp dẫn trẻ. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, dễ làm, có ý nghĩa giáo dục tốt.
Bố mẹ có điều kiện có thể mua kính lúp, nam châm, dụng cụ đo đếm để con tự mày mò, tìm hiểu kiến thức khoa học...
Bạn có thể cho con một mảnh đất nhỏ hay một hộp xốp, mua giống cây về để trẻ cuốc đất, gieo hạt và giao cho con nhiệm vụ chăm sóc, tưới cây hằng ngày. Con có thể quan sát quá trình cây lớn lên ra sao, thay đổi thế nào, tự thu hoạch và thậm chí chế biến, ăn thành phẩm do chính sức lao động của mình. Bố mẹ cũng có thể tạo ra một cuộc thi đua với con: mỗi người tự trồng một chậu cây xem "vườn" của ai tươi tốt hơn.
Phụ huynh cũng có thể tranh thủ thời gian trẻ được nghỉ để dạy con về những điều xung quanh, như các con vật, mèo, chó, ong, cây, hoa... Mỗi loài thích ăn gì, thích nghi với điều kiện nào. Để con tự trải nghiệm, rút ra các bài học như thả đồ (cho các vật nặng, nhẹ khác nhau như hộp xốp, chìa khóa... rơi) xem cái nào rơi nhanh, chậm ra sao, hoặc thả đồ xuống nước xem cái nào chìm, cái nào nổi...
Mẹ có thể lấy một mẩu bánh thừa cho vào lọ, rồi thêm chút nước, để bé quan sát từng ngày và thấy sự hình thành nấm mốc ra sao. Hỏi con xem làm thế nào để nấm mốc không lan ra, từ đó dạy con phải làm vệ sinh sạch sẽ, con không tắm, để nhà cửa bẩn thì nấm mốc, vi khuẩn sẽ phát triển tương tự như thế... Những bài học trực quan như thế này sẽ hiệu quả hơn nhiều những câu giáo huấn kiểu như "con phải rửa tay sạch, phải tắm rửa"...
Trong kỳ nghỉ trẻ ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn con học và làm việc nhà, giúp gia đình. Khi được hướng dẫn, tự làm việc, được bố mẹ ghi nhận, khen ngợi trẻ sẽ rất thích, chứ không hề "lười" như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ. Có thể cho con viết thư cho ông bà, bạn, hay ngồi cắt dán, làm hoa, hay làm bất cứ thứ gì bé thích từ các nguyên liệu dễ kiếm ở nhà.
Nếu con nghỉ hè tại nhà, để tránh việc trẻ mê mải với game, TV, bố mẹ cần chia thời gian hợp lý: có những khoảng cho con được chơi tự do, làm gì mình thích, thời gian học tập, làm việc nhà.... Ngoài ra, bố mẹ đừng quên tranh thủ thời gian đưa con đi đạp vịt, ra công viên, khu vui chơi... để bé xả hơi. Cần tạo ra các hoạt động phong phú, ưu tiên và khuyến khích trẻ vận động, có thể là trườn, bò, nhảy lò cò, tập đứng một chân, tránh thời gian trẻ chơi một mình quá dài.
Vương Linh