Chị Phượng (Yên Hòa, Hà Nội) kể, hè năm ngoái, đang bí người trông coi con, lại nghe bạn bè mách cho cháu lên chùa sẽ học được nhiều điều tốt, chị liền tìm hiểu và đưa ngay cậu nhóc vừa học xong lớp 6 tới một thiền viện ở Vĩnh Phúc để "tu". Được đúng 3 hôm, thấy con gọi điện về khóc như mưa, chị vội vàng lên đón.
"Đến nơi, thấy thằng bé mặt xanh tái, ngơ ngác, tôi xót quá. Mấy hôm sau con vẫn tỏ ra hoảng hốt, đêm nào cũng đòi nằm cùng bố mẹ rồi thức chong chong", chị Phượng kể.
Hỏi ra chị mới biết, khi ở chùa, thấy khung cảnh trầm mặc khói hương, rồi cả ngày nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng rao giảng đều đều, không được xem TV, không có một người quen nào bên cạnh... cậu con trai vốn nhút nhát của chị đâm hoảng.
"Mình biết thằng bé thần kinh yếu, hay sợ sệt nhưng nghĩ lên đó có nhiều bạn cùng tuổi, lại nghe các sư nói về đạo lý, điều thiện nên sẽ tốt cho con, ai ngờ...", chị tâm sự.
Một em trai không cầm nổi nước mắt vì nhớ nhà khi "tu" tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hải Đăng. |
Có cậu con trai lớp 8 lười học, hay đánh nhau trong lớp, vợ chồng anh Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho con tham gia khóa Học kỳ quân đội do một công ty tư nhân tổ chức vì: "Nghe nói vào đây bọn trẻ sẽ ăn, ở theo tác phong quân đội, được rèn tính kỷ luật, rồi học kỹ năng sống, hy vọng thằng cu sẽ khá lên".
Khi cậu con trai tỏ ý không muốn "nhập ngũ", anh Hà đe: "Mày hư nên phải đi cho người ta huấn luyện chứ".
Cuối cùng, cậu nhóc cũng lên đường. Thế nhưng, sau khóa học 10 ngày trở về, anh chị thấy con vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, cậu còn cười khẩy kể với đám bạn: "Ông bà bô muốn tớ biết mùi khổ nhưng với tớ chả bõ bèn gì". Không những thế, trong thời gian làm "bộ đội" cậu bé đã kịp kết bạn với một nhóm được đưa đi "cải tạo" giống mình.
Cũng với mong muốn con sẽ tự tin hơn, nhân dịp hè, chị Lễ (Cầu Diễn, Hà Nội) cho cô con gái 16 tuổi tham gia khóa học kỹ năng sống tại một trung tâm ở Cầu Giấy. Thế nhưng, một buổi tới tham dự buổi học của con, chị tá hỏa khi nghe "ông thày" - một sinh viên chưa tốt nghiệp - thao thao bất tuyệt trước vài chục gương mặt chăm chú nuốt từng lời: "Các bạn không cần cố gắng có nhiều tri thức, không cần học nhiều hay phải vào đại học, chỉ cần có các kỹ năng mềm, là các bạn có thể thành công trong cuộc sống...".
Ngấm tư tưởng của "thày", con gái chị cũng lý luận khi mẹ nhắc nhở ôn bài: "Cần gì học nhiều, giỏi kỹ năng là xong hết".
Các bé học làm hải quân trong chương trình Học kỳ quân đội do Trung tâm thanh thiếu niên miền nam tổ chức. Ảnh: Ngoan Ngoan. |
Cả ba ví dụ trên đều là những trường hợp cha mẹ đã đặt con không đúng chỗ, gây tác dụng ngược, dù các khóa học về kỹ năng sống, tu thiền hay tập làm "con nhà binh"... đang mọc lên nhan nhản hiện nay thường mang lại lợi ích cho trẻ.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, việc con tham gia hoạt động hè nào và gặt hái được kết quả ra sao, cha mẹ phải là người quyết định và chịu trách nhiệm đầu tiên.
Theo bà Thủy, thực tế, trong số những hoạt động hè các đơn vị tổ chức hiện nay, có rất nhiều hoạt động bổ ích với trẻ. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, và có thể có những hoạt động phù hợp, hiệu quả với trẻ này nhưng lại không tốt cho trẻ khác. Tất cả còn phụ thuộc vào thời lượng, nội dung, hình thức của hoạt động, và lứa tuổi, tính cách... của trẻ.
Bởi thế, nhiều em sau các khóa học ở chùa cảm thấy học được lối sống lành mạnh, hướng thiện, nhưng cũng có những trẻ cảm thấy sợ hãi, buồn chán với nếp sống khổ hạnh, trầm buồn... chốn cửa Phật. Tương tự, khóa học làm bộ đội, nông dân... có thể giúp một số trẻ được trải nghiệm cuộc sống khác, học cách tự phục vụ bản thân, rèn tính kỷ luật, nề nếp... nhưng cũng có những cháu không thích, lại ngấm ngầm phản kháng, bày trò phá rối...
Theo bà Thủy, khi lựa chọn một hoạt động hè cho con, bản thân bố mẹ phải hiểu rõ mục đích của mình: Tôi đưa con đến đó để làm gì? Tôi muốn con học được điều gì tại nơi ấy? Hoạt động này, nơi này có phù hợp với con tôi không?...
"Chính cha mẹ mới là người hiểu rõ nhất con mình như thế nào, cần gì, chứ không phải là một trung tâm hay trại hè nào đó - nơi chỉ biết tiếp nhận trẻ và mang đến cho các em những gì họ có chứ chưa chắc đã biết chúng cần gì", bà Thủy nói.
Ngoài ra, theo nhà tâm lý giáo dục, trước khi đưa con đến nơi nào đó, phụ huynh nên nói rõ cho con biết mục tiêu của việc làm này: "Mẹ muốn cho con đến chùa để tìm hiểu cuộc sống của các nhà sư và giúp con học được những điều tốt, hướng thiện". Phụ huynh cũng cần cho trẻ biết những điều sẽ diễn ra trong khóa học và hỏi ý kiến con, để trẻ đứng ở tâm thế lành mạnh, chủ động chứ không coi việc này là một sự trừng phạt hay áp đặt của người lớn.
Khi chọn nơi gửi gắm con, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ, xem nơi đó do ai quản lý, cơ sở có đáng tin cậy không, tại đó con sẽ được học những gì, người dạy con là ai, có trình độ chuyên môn thế nào.... "Sẽ là liều lĩnh nếu phụ huynh phó mặc con vào những nơi bản thân họ cũng không hiểu rõ", bà Thủy chia sẻ.
Về trào lưu cho con đi học các khóa kỹ năng sống hiện nay, nhà giáo dục cho rằng, kỹ năng sống cần học cả đời, trong cuộc sống hằng ngày, từ gia đình, nhà trường, trẻ trải nghiệm chứ không phải chỉ cần học một khóa nào đó là tốt lên. Theo bà, đúng là, có nhiều khóa học giúp trẻ tiến bộ vượt bậc, nhưng quan trọng là, để yếu tố tích cực này lâu bền thì chính cha mẹ phải bồi đắp cho con từng ngày, từ nhỏ. Và có rất nhiều cách để làm điều đó mà không nhất thiết phải tham gia các khóa học, trại hè...
Chị Ngọc Mai (Ngã Tư Sở, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, sau nhiều năm cứ hè đến là đôn đáo khắp nơi tìm các trung tâm, khóa học cho con, chị nhận thấy, người dạy con tốt nhất là bố mẹ và phải làm hằng ngày. Nghĩ vậy, chị đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý của các con ở từng độ tuổi, theo sát chương trình học của từng cháu ở trường rồi từ đó tổ chức nhiều hình thức giúp con tìm hiểu về những nội dung liên quan. Chỉ sau chưa đầy một năm, chị đã thấy các con tiến bộ hẳn.
"Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ mình cho các con về quê hay ra ngoại thành, cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ dại giúp người thân.. Đứa nào cũng hào hứng lắm", chị Mai kể.
Chị Trà (Long Biên, Hà Nội) cũng dạy con kỹ năng sống bằng cách, hằng ngày hướng dẫn con tự phục vụ bản thân và làm việc nhà phù hợp lứa tuổi. Mỗi dịp nghỉ hè, dù bận rộn thế nào, chị cũng sắp xếp để gia đình đi nghỉ cùng nhau ít nhất 3 ngày. Trước mỗi chuyến đi, các con của chị được giao nhiệm vụ tìm thông tin về lịch sử, địa lý... của địa danh sẽ tới và tự chuẩn bị hành lý của mình...
"Tất nhiên, mình cũng muốn cho các con tham gia các hoạt động ở trại hè hay học thêm những kỹ năng bổ ích từ cộng đồng, thế nhưng đó chỉ là cơ hội để bọn trẻ giao lưu, trải nghiệm, thay đổi không khí và thực hành những điều đã học, chứ không phải để chúng thay đổi", chị Trà thổ lộ.
Minh Thùy
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi