Vấn đề này được đem ra mổ xẻ nhiều nhất tại hội thảo "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp" hôm 9/9. Theo đó nhiều chuyên gia cho rằng nhà sản xuất nội địa cần hành động thiết thực hơn chỉ hô khẩu hiệu "hãy là khách hàng thông minh".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo doanh nghiệp phải xác định mình là người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Từ đó các đơn vị phải chủ động chuyển đổi nền sản xuất, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa. Bà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông, giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm để củng cố lòng tin của khách hàng với nhà sản xuất.
"Cạnh tranh thực chất là giành lấy người tiêu dùng. Thị trường nội địa là thế mạnh sân nhà, nội lực nhưng cũng thành gót chân Asin của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Vì vậy phải có chiến lược kêu gọi dùng hàng Việt thuyết phục hơn là nói suông", bà Lan nhấn mạnh.
Lọc lại kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát trong nước về mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua hàng, bà Lan chỉ ra chất lượng được ưu tiên ở vị trí độc tôn, chiếm 27%; uy tín nhà sản xuất xếp hạng hai với tỷ lệ 22%; thương hiệu doanh nghiệp đứng hàng thứ ba chiếm 14% trong khi đó giá cả tụt xuống vị trí hạng tư và chỉ 13% người tiêu dùng lựa chọn.
Trong một cuộc khảo sát khác tại Việt Nam, yêu cầu đầu tiên của người tiêu dùng lại là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải giá rẻ. Với những kết quả này, bà Lan kêu gọi doanh nghiệp phải nhìn lại tâm tư, nguyện vọng của "thượng đế" trước khi ra lò sản phẩm.
Hàng may mặc cho trẻ em sản xuất tại Việt Nam đang được các ông bố bà mẹ chọn mua. Ảnh: Vũ Lê. |
Là doanh nghiệp trẻ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế (ICP) Phan Quốc Công nhìn nhận nhà sản xuất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu mạnh, không bỏ lỡ kênh phân phối từ truyền thống (chợ) đến hiện đại (siêu thị). Theo ông Công, thương hiệu ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư đúng mức cho yếu tố này là một thiếu sót.
Mang đến hội thảo một quan điểm nằm ngoài khái niệm kinh tế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô Lê Phụng Hào cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng đến yếu tố văn hóa trong kinh doanh. Bởi lẽ, văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng. Ví dụ, khu Sky Garden Phú Mỹ Hưng (ở Nam Sài Gòn) đã hình thành phố Hàn Quốc từ nhiều năm nay với các dịch vụ từ ẩm thực, giặt ủi thậm chí cắt tóc đều do người Hàn Quốc cung cấp. Người Hàn sống ở khu này không dùng hoặc hạn chế dùng các dịch vụ, hàng hóa bản xứ dù sống giữa đô thị lớn của Việt Nam.
Theo ông Hào, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận lại tầm ảnh hưởng của yếu tố này, xem nó như một ưu thế đặc biệt.
Khách hàng chọn quà lưu niệm tại quầy đồ gỗ tại Hội chợ Tháng khuyến mãi tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê. |
Còn Phó tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) Bùi Hạnh Thu nhận định, hàng Việt Nam chia thành hai nhóm: hàng thiết yếu và hàng kỹ thuật. Trong đó, nhóm hàng thiết yếu chiếm 90% là sản phẩm nội địa và có xu hướng tăng dần. Ngược lại, nhóm hàng kỹ thuật cao lại gặp trục trặc lớn là không có doanh nghiệp Việt tham gia.
"Hãy nhìn lại các thiết bị kỹ thuật của Việt Nam, từ điện thoại, tivi, máy fax đến máy vi tính, máy in, máy điều hòa trong các cơ quan đều là hàng ngoại nhập. Thiết bị trong nhà cũng như thế. Vậy thị phần này, nhà sản xuất Việt Nam ở đâu?", bà Thu đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Tín, một đại biểu tham gia hội thảo ví von cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" như cuộc thi điền kinh. Trong đó, ban tổ chức là nhà nước, vận động viên là doanh nghiệp còn khán giả là công chúng đi xem. Trong cuộc rượt đuổi này, ban tổ chức cần thấu hiểu và đặt ra luật chơi cho công bằng, phù hợp với luật quốc tế. Vận động viên cần lượng sức của mình tới đâu, lường trước được trên chặng đua sẽ có ổ gà, ổ voi và nhìn nhận xem mình có đủ sức dự thi hay không. Còn khán giả, nếu họ không được xem một cuộc trình diễn hay, họ sẽ thất vọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào lòng công chúng, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội cần phải làm rất nhiều việc không tên ẩn chứa đằng sau ý tưởng tốt đẹp. Những việc không tên ấy là các chính sách vĩ mô hỗ trợ doang nghiệp trong nước, sự ủng hộ của các hiệp hội, lòng trung thực và thành ý của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng... nhưng trên hết vẫn là chất lượng sản phẩm phải đúng như cam kết.
Vũ Lê